Điểm tựa giúp nông dân phát triển sản xuất

.

Hội viên nông dân trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định đời sống. Đây được xem như cầu nối để thu hút, giúp đỡ nông dân, góp phần xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh về uy tín, tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (bên trái) sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư, mở rộng vườn lan kiếm tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: N.Q
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (bên trái) sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư, mở rộng vườn lan kiếm tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: N.Q

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có sở thích trồng hoa, cây cảnh, đặc biệt là sưu tầm hoa lan. Chị cùng chồng thử nghiệm trồng hoa lan kiếm và nhận thấy cây phát triển tốt, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Thấy giá trị của lan kiếm khá cao trên thị trường nên năm 2019, hai vợ chồng đầu tư trồng lan quy mô lớn để bán. Ban đầu, chị trồng khoảng 100 chậu trên diện tích 1.000m2 đất do UBND phường Hòa Xuân cho mượn tạm tại đường Trần Nam Trung. Thời gian sau, chị Hiền tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô trang trại và đến nay khu vườn có trên 5.000 chậu lan. “Nhờ kinh doanh hiệu quả, chúng tôi đã hoàn trả số tiền 50 triệu đã vay. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 15 triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, chị Hiền chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân Hồ Đắc Lành, hiện nay, trên địa bàn có 70 hộ vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh, sản phẩm nông sản. Hoạt động kinh doanh hiệu quả, nhiều hội viên ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm trên 150 lao động tại địa phương với thu nhập hằng tháng gần 6 triệu đồng/1 người. “Hiện nay, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của hội viên khá lớn, trong khi giới hạn cho vay cao nhất của Quỹ hỗ trợ nông dân theo nguồn thành phố là 50 triệu đồng. Tôi đề xuất cần nâng mức cho vay đến giới hạn là 100 triệu đồng để hỗ trợ những mô hình sản xuất quy mô lớn”, ông Lành cho biết.

Những năm qua, ông Lê Tiến Dũng (1980, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) sử dụng hiệu quả vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô trồng hoa, cây cảnh, rau, củ, quả. Trước đây, vợ, chồng ông làm công nhân nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải. Năm 2016, ông Dũng được UBND phường Thanh Khê Tây cho mượn tạm 2.000m2 đất tại đường Yên Khê 1 để làm nông nghiệp. Khu vực trên từng là điểm “nóng” ô nhiễm môi trường. Sau đó, ông cải tạo, dọn vệ sinh, xây dựng trang trại tại đây và hai lần vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 80 triệu đồng để phát triển sản xuất. Vào vụ Tết, thu nhập của ông Dũng từ nghề trồng hoa 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập từ buôn bán rau, củ, quả tại trạng trại hằng tháng khoảng 8 triệu đồng, qua đó, giúp gia đình có điều kiện lo cho ba người con ăn học và trang trải chi phí sinh hoạt.

Theo Hội Nông dân thành phố, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn thành phố hiện nay là hơn 47,5 tỷ đồng; nguồn quỹ của các quận, huyện là hơn 8,3 tỷ đồng. Đến ngày 30-4, thành phố đã giải ngân hơn 44,2 tỷ đồng cho 1.403 hộ vay với 195 dự án. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết, hiện nay các cấp hội triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, chọn hộ, hướng dẫn thủ tục, thẩm định và giải ngân Quỹ hỗ trợ nông dân theo đúng quy định của Trung ương và thành phố. Đa số các dự án đều bảo đảm đóng đầy đủ nợ gốc, phí quỹ khi đến hạn thanh toán. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay được các cấp hội thực hiện nghiêm túc. Vốn vay được hội viên nông dân sử dụng để phát triển sản xuất có hiệu quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.