Nhiều mô hình điển hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do các cấp Công đoàn thành phố xây dựng phát huy hiệu quả. Qua đó, giữ vững an ninh trật tự trong công nhân, người lao động và bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Người lao động Công ty CP Dệt may 29-3 hăng say làm việc, thực hiện tốt các yêu cầu bảo đảm an toàn trong lao động. Ảnh: X.H |
Là doanh nghiệp tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Công ty CP Dệt may 29-3 luôn tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động tích cực tham gia thực hiện mô hình “Tự phòng - tự quản - tự bảo vệ”. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may 29-3 Lê Thị Hải Châu, với hơn 3.300 lao động, để xây dựng môi trường sản xuất hiệu quả đòi hỏi công nhân, người lao động phải chấp hành nghiêm thực hiện mô hình, quy định an toàn của doanh nghiệp.
Để bảo đảm công tác “Tự phòng” trong phòng chống tội phạm, công ty thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động gồm các trưởng, phó ban quân sự tự vệ, tổ trưởng tổ bảo vệ, nhân viên quản lý mạng nội bộ, nhân viên quản lý tại các xí nghiệp. Hội đồng thường xuyên tổ chức kiểm tra những danh mục được xây dựng dựa trên các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm... với tần suất kiểm tra hằng tháng hoặc đột xuất nhằm khắc phục tồn tại, bảo đảm an toàn sản phẩm cũng như con người.
Triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2010, mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố thực hiện đã nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng; kịp thời phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần xây dựng các khu nhà trọ an toàn về an ninh trật tự cho công nhân, lao động ngoại tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, từ khi thành lập, tổ công nhân tự quản luôn duy trì, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Hiện nay, tổ có hơn 50 khu nhà trọ với khoảng 300 công nhân lao động, chủ yếu người ngoại tỉnh.
Để có thể nắm chắc tình hình các phòng trọ, bảo đảm an ninh trật tự trong khu dân cư, ông Dũng thường xuyên làm việc với các chủ nhà trọ để làm tốt công tác phát hiện, tố giác và tham gia phòng, chống tội phạm, kịp thời thông tin cho tổ trưởng, công an khu vực những hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
“Chúng tôi giữ mối liên hệ thường xuyên với công an khu vực, trao đổi tình hình an ninh trật tự địa phương, phối hợp tổ chức tuyên truyền ít nhất 3 tháng một lần về tình hình an ninh trật tự xung quanh khu nhà trọ; tình hình các loại tội phạm, ma túy, mại dâm và lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lao động, về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ”, ông Dũng chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại, tính đến nay đã có 62 “Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ” được thành lập với gần 12.000 người lao động sống tập trung trên địa bàn quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Các tổ trưởng tổ công nhân tự quản được ví như những “cánh tay nối dài của Công đoàn thành phố” đến với công nhân, người lao động tại khu trọ.
Phát huy vai trò, các chủ nhà trọ hưởng ứng mô hình “Nhà cho thuê không có tội phạm và tệ nạn xã hội” do công an các quận phát động, từng khu nhà trọ đề ra nội quy, quy định việc cư trú, thường xuyên nhắc nhở nhau nâng cao tinh thần cảnh giác “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, tích cực tham gia tố giác tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình tiên tiến được xây dựng, phát triển ở các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều lao động phát huy hiệu quả tốt như: mô hình “3 an toàn, 2 sẵn sàng” của Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, mô hình “Đơn vị 3 an toàn” của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Qua đó, sớm phát hiện, xử lý các vụ việc nóng, giữ vững tình hình an ninh trật tự trong công nhân, người lao động và bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn.
XUÂN HẬU