Mặt trận các cấp của thành phố chủ trì phối hợp các ngành liên quan triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận được hưởng ứng tích cực và tin dùng của người dân.
Sản phẩm đặc sản chả bò Cô Vy tại phiên chợ hàng Việt do phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) tổ chức. Ảnh: X.H |
Kết nối, quảng bá thương hiệu Việt
Hưởng ứng cuộc vận động, tháng 3 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) phối hợp các đoàn thể tổ chức phiên chợ hàng Việt với 5 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Đà Nẵng gồm: bánh kẹo, táo sấy khô, các sản phẩm công nghệ sinh học, cây cảnh, sen đá, các sản phẩm đan móc len, nước hoa.
Tham gia phiên chợ, bà Huỳnh Thị Mạnh (phường Hòa Cường Nam) chia sẻ: “Từ lâu, gia đình tôi đã rất tin dùng nhiều sản phẩm trong nước. Những phiên chợ hàng Việt là cơ hội để chúng tôi tìm hiểu về các sản phẩm đặc sắc của địa phương. Tôi mua nhiều sản phẩm như nước rửa tay thiên nhiên, bánh kẹo về cho gia đình. Chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý là những yếu tố khiến phiên chợ thu hút tôi tham gia”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà, ngay từ đầu năm, Mặt trận quận xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động đến 13 phường trên địa bàn. Theo đó, Mặt trận các phường chú trọng tổ chức các “Phiên chợ hàng Việt” gắn với tuyên truyền “Tự hào hàng Việt” và Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; tổ chức giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, các phiên chợ nông sản, phiên chợ cho công nhân, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn.
Việc thực hiện cuộc vận động tại các phường đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận, đoàn thể, các ngành tăng cường tuyên truyền trực quan; hướng dẫn, phổ biến, cung cấp tài liệu phân biệt hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để người tiêu dùng nhận diện. Thời gian đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận chủ trì phối hợp tổ chức “Phiên chợ hàng Việt” cấp quận, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6-2024.
Tại quận Thanh Khê, tính đến đầu tháng 5-2024 đã có 9/10 phường tổ chức các phiên chợ hàng Việt, với tổng 114 gian hàng. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Phạm Ngọc Tuấn cho biết, các phiên chợ được Mặt trận các phường tổ chức chu đáo tạo điều kiện đưa các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm OCOP, đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng. Thời gian đến, Mặt trận quận sẽ phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các phiên chợ hàng Việt nông sản - hải sản, tổ chức ngày hội Phụ nữ - Thanh niên khởi nghiệp đưa hàng Việt về bán ưu đãi tại các khu chung cư, khu nhà tập thể công nhân lao động, các ký túc xá sinh viên.
Hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định giá trị
Anh Nguyễn Văn Tân, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (sản phẩm rau quả Túy Loan đạt 4 sao OCOP) chia sẻ: “Trước đây, bao bì, nhãn mác của sản phẩm đơn sơ, chưa được đầu tư. Sau này, được sự hướng dẫn, tư vấn thiết kế của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, bao bì sản phẩm được chuyển sang loại nhựa PE thân thiện với môi trường. Nhãn mác được thiết kế phù hợp thị hiếu, có thêm chứng nhận OCOP và mã QR truy xuất nguồn gốc. Từ đó, sản phẩm của chúng tôi ngày càng khẳng định về chất lượng tạo được niềm tin ở khách hàng. Hiện sản phẩm đã có mặt ở nhiều siêu thị và là sự lựa chọn uy tín trong nhiều bếp ăn trường học”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, thực hiện cuộc vận động, sở phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, hội, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức thực hiện chương trình, chính sách trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Theo đó, sở hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho 3 cơ sở; tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói và đặt mua bao bì cho 3 cơ sở; đánh giá sản xuất sạch hơn cho 7 doanh nghiệp; ứng dụng máy móc thiết bị cho 16 đơn vị; tư vấn và hỗ trợ xây dựng 2 mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 2 đơn vị, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, sản phẩm lưu niệm quà tặng… với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng; xem xét, thẩm định và đề xuất Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) hỗ trợ dự án về dây chuyền ép Lamnita, PEG vào sản xuất sản phẩm ngành nội, ngoại thất từ nguồn khuyến công quốc gia là 450 triệu đồng cho 1 đơn vị. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của thành phố, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm Việt Nam và đưa hàng Việt Nam về các xã xa trung tâm huyện Hòa Vang.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn, Mặt trận các cấp tổ chức 203 lượt trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt, sản phẩm đặc trưng, truyền thống của Đà Nẵng, sản phẩm OCOP qua các “phiên chợ hàng Việt”, “phiên chợ hàng Việt 0 đồng”, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư.
Thời gian đến, bên cạnh việc tiếp tục chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, chương trình quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, Mặt trận các cấp phối hợp các ngành liên quan triển khai đưa vào hoạt động bản đồ mua sắm trực tuyến thành phố; phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; tiếp tục triển khai mở rộng việc dán tem mã QR truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
XUÂN HẬU