Thời điểm này, các chợ, siêu thị, đơn vị cung ứng đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân, du khách trong dịp lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024. Các đơn vị cũng đang khẩn trương rà soát, triển khai công tác bảo đảm văn minh thương mại, kiểm soát giá cả hàng hóa, thị trường.
Trước dự báo lượng du khách và sức mua tăng trong dịp DIFF 2024, nhiều tiểu thương đã chuẩn bị lượng lớn hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Hàng hóa đa dạng, phong phú
Chị Nguyễn Thu Hà, tiểu thương ngành hàng bánh kẹo đặc sản tại chợ Hàn cho hay, khoảng 2 tuần qua, chị đã kiểm tra, rà soát lượng hàng trong kho để nhập thêm hàng mới. Theo chị Hà, du khách thường chọn mua các loại bánh kẹo trái cây, hoa quả sấy dẻo… bởi đây là mặt hàng dễ làm quà tặng. Do đó, đợt này chị nhập khoảng hơn 200kg các sản phẩm liên quan để phục vụ cho du khách. Tương tự, chị Lê Thị Ngọc Bích, tiểu thương ngành thịt tại chợ Cồn cho biết, trong những dịp thành phố diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn, lượng hàng hóa bán ra luôn tăng cao. Vì vậy, khoảng 1 tuần trước, chị đã lên phương án tăng khoảng 50% lượng hàng nhập hằng ngày để bảo đảm nguồn hàng không bị đứt đoạn cũng như bình ổn giá. “Thông thường, lượng khách sẽ tăng từ 2-3 lần so với ngày thường nên tôi đã chủ động tăng lượng nhập từ lò mổ. Mặt khác, hàng hóa được nhập về trong ngày nên sẽ luôn tươi mới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, chị Bích thông tin thêm.
Tại chợ đầu mối Hòa Cường, mỗi ngày có khoảng 300-320 tấn hàng hóa được nhập về, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả các loại, cung ứng cho thị trường thành phố. Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, sức mua và giá cả trong những ngày qua tương đối ổn định, không có sự tăng giá đột biến trong dịp lễ hội. Trên cơ sở chỉ đạo của Sở Công Thương, Ban Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng về công tác phục vụ DIFF, các ngày lễ lớn và các sự kiện của thành phố, ban quản lý chợ đã tuyên truyền, vận động tiểu thương chuẩn bị đầy đủ, đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm và bình ổn giá cả thị trường; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên giám sát, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập về chợ.
Bảo đảm văn minh thương mại, giá cả hàng hóa
Theo ông Phạm Văn Bình, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Cồn, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân và du khách mua sắm trong dịp DIFF 2024, công tác bảo đảm văn minh thương mại, giá cả cũng được ban quản lý triển khai đến các tiểu thương, hộ kinh doanh. Ban quản lý yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Dịp này, ban quản lý cũng phát động chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm tại chợ trong thời gian từ ngày 7 đến 30-6; tổ chức phát động chợ livestream bán hàng và tạo gian hàng, thực hiện quay video giới thiệu về chương trình, quảng bá hình ảnh, sản phẩm tại các chợ Đà Nẵng trên nền tảng tiktok. “Trung bình mỗi ngày, chợ có khoảng 3.500-4.000 lượt khách ghé đến tham quan, mua sắm, đa phần là du khách nội địa. Trong dịp DIFF 2024 và thực hiện tháng khuyến mãi kích cầu trên địa bàn thành phố, ban quản lý đã yêu cầu các tiểu thương bảo đảm văn minh thương mại trong mua bán, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến Đà Nẵng”, ông Bình chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng thông tin, công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường trước và trong các dịp lễ lớn trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ thường xuyên được đơn vị triển khai thực hiện. Cục đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ tàu du lịch, dịch vụ ăn uống, cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch... Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên từng địa bàn; yêu cầu thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; phối hợp thực hiện tốt công tác bình ổn giá thị trường. Cục QLTT cũng phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ kinh doanh, đơn vị cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về giá, không lợi dụng thời điểm diễn ra lễ hội để tăng giá bất hợp lý, nhất là tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. “Hiện nay, Cục QLTT đã thông tin và công khai số điện thoại đường dây nóng, hòm thư phản ánh của Cục và các đội QLTT trực thuộc trên website, các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận, giải quyết những thông tin của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, ông Sơn thông tin.
C.THẮNG - V.HOÀNG