Giá một số mặt hàng, nhất là thực phẩm tại các chợ, siêu thị đã bắt đầu tăng đáng kể. Người dân lo ngại trước thời điểm tăng lương mới cũng như việc điều chỉnh giá nhiên liệu, năng lượng theo chu kỳ sẽ tác động lên giá các mặt hàng tiêu dùng hơn nữa trong thời gian tới.
Các mặt hàng như thịt heo, rau xanh có mức tăng 5-10%. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố như chợ Cồn, chợ Hòa Khánh, chợ Hòa Cường Bắc, chợ Hòa An, chợ Đống Đa… lượng hàng hóa dồi dào, sức mua không tăng nhiều. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, khoảng vài tuần nay, giá nhiều mặt hàng đã tăng hơn so với tháng 3, tháng 4. Điển hình là các loại thịt, hải sản, rau theo mùa có mức tăng từ 2.000-10.000 đồng/kg, cụ thể như thịt heo giá dao động ở mức 100.000-160.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-30.000 đồng/kg; thịt bò 250.000-280.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg; gà ta (làm sẵn) nguyên con là 190.000-220.000 đồng/con, tăng khoảng 10.000 đồng/con...
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Nga, chủ lô 71 kinh doanh quầy thịt tươi sống tại chợ Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, mức giá thịt heo đợt này tăng rất mạnh vì giá heo hơi (nguyên con chưa làm thịt) nhập vào khoảng 70.000 đồng/kg, tính thêm các chi phí khác sau khi đến tay người tiêu dùng đã lên gần 100.000 đồng/kg. “Thịt tăng giá trong khi lượng khách vắng khiến hơn 100kg thịt heo của tôi thường bán không hết vào buổi sáng. Việc này chưa bao giờ xảy ra từ khi tôi bắt đầu bán hàng tới nay”, bà Nga nói.
Tương tự, các loại thực phẩm khác như trứng gà công nghiệp là 32.000 đồng/chục, tăng 5.000 đồng/chục; trứng vịt dao động ở mức 42.000-45.000 đồng/chục, tăng khoảng 2.000-5.000 đồng/chục; các loại rau, củ theo mùa, thời tiết như xà lách, khoai tây, cà rốt có mức giá chung là 25.000-30.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000-5.000 đồng/kg; rau ngò/mùi 7.000-10.000 đồng/bó, tăng 2.000-3000 đồng/bó... Chị Phạm Lan Anh, chủ ngành hàng rau, củ, quả tại chợ Cồn chia sẻ, khoảng tháng 5-6 mỗi năm thường giá cả các loại hàng hóa sẽ tăng do thời tiết nắng nóng phát sinh nhiều chi phí như bảo quản, vận chuyển, chăm bón… khiến chi phí các loại thực phẩm tăng. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm đầu mùa hoặc hết mùa của các loại rau, củ, quả nên giá các sản phẩm này đang rất cao; cá biệt như chuối chát từ 7.000-10.000/trái.
Đang làm công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh, chị Phan Thị Khánh Hòa bày tỏ sự lo lắng khi giá cả nhiều mặt hàng đã tăng từ một vài tuần trở lại. So với trước Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 30-40%. Lúc trước, khi đi chợ, chị mua thịt heo với giá khoảng từ 90.000-120.000 đồng/kg thì nay đã tăng khoảng 10-15%; rau, củ, quả cũng tăng trên 10%. Trong tháng vừa rồi, chi phí sinh hoạt chị tăng mạnh gần 20%, phần lớn từ việc phải tiêu nhiều hơn vào thực phẩm. “Mỗi tháng tôi nhận được khoảng gần 7 triệu đồng tiền lương kể cả đã tăng ca, trừ các chi phí khác thì tôi không dư được đồng nào để gửi về gia đình”, chị Hòa nói. Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, theo những kỳ tăng lương, điều chỉnh giá nhiên liệu, năng lượng trước thì giá thực phẩm đều tăng. Nếu thực hiện chính sách tiền lương cơ sở từ ngày 1-7 và điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần từ ngày 15-5 thì nhiều khả năng giá nhiều mặt hàng thực phẩm sẽ “ăn theo”.
Giá các loại thực phẩm tăng, nhiều dịch vụ cũng tăng mạnh, nhất là các quán ăn, nhà hàng. Theo khảo sát tại nhiều quán cơm bình dân dọc đường Hải Phòng, Trần Cao Vân, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Huy Tưởng... giá đã tăng từ 15-25% so với cách đây 1 tháng. Theo ông Thái Hữu Dũng, chủ quán cơm bình dân trên đường Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), mặt bằng chung giá tại các quán ăn lân cận ông đã tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/món. Giá cơm, bún, mì Quảng tại quán ông khoảng 2 tháng trước bán 20.000 đồng/suất thì nay phải bán 25.000-30.000 đồng/suất. Điều này xuất phát từ việc tất cả các nguyên liệu để chế biến món ăn như thịt, rau, gia vị... đều tăng lên.
Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng, nhưng theo nhiều tiểu thương sức mua, lượng khách tại các chợ đã giảm nhiều so với trước. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu, Trưởng ban quản lý chợ Hòa Khánh cho hay, từ đầu năm tới nay, sức mua giảm rất nhiều so với thời điểm trước từ 30-50% khiến tình hình kinh doanh tiểu thương vô cùng khó khăn. Vậy nên, nhiều hộ kinh doanh trong chợ nghỉ hoặc cho hộ kế bên thuê lại. Hiện nay, chỉ còn khoảng 60-70% hộ đang kinh doanh, còn lại đã nghỉ vì ế ẩm, khó khăn.
Dự báo từ những tháng 6, 7 bước vào cao điểm nắng nóng, chi phí bảo quản, vận chuyển, nguyên liệu tăng đẩy giá tiêu dùng lên theo. Ông Phan Thành Thoại, Trưởng ban quản lý chợ Cồn bày tỏ, thực tế giá các sản phẩm như thịt heo, thịt bò, thịt gà, rau xà lách… tăng tại thời điểm này do các yếu tố thời tiết, mùa vụ và mức tăng nhẹ. Vẫn chưa thể khẳng định được giá thực phẩm có tăng trong thời gian sắp tới vì thực tế giá cả thị trường tiêu dùng chịu sự chi phối chính yếu tố cung cầu trong khi sức mua hiện nay tại các chợ vẫn chưa cao.
CHIẾN THẮNG