Người dân chuộng thanh toán không tiền mặt

.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng cao ở các lứa tuổi, nhất là qua nhiều năm triển khai hoạt động này. Đến nay tại hầu hết các chợ, cửa hàng, điểm kinh doanh lớn, nhỏ... của Đà Nẵng đều đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang triển khai đầu tư phát triển các nền tảng thanh toán trực tuyến, quét mã QR. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang triển khai đầu tư phát triển các nền tảng thanh toán trực tuyến, quét mã QR. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, năm 2023, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, thanh toán qua POS đạt 21.394 tỷ đồng, tăng 74,69%; qua internet banking đạt 210.100 tỷ đồng, tăng 26,95%; qua mobile banking đạt 1.218.352 tỷ đồng, tăng 43,94%; qua mã QR đạt 4.801 tỷ đồng, tăng 120,9%. Ngoài ra, 100% giao dịch nộp thuế qua ngân hàng, 100% hóa đơn tiền điện và hóa đơn tiền nước được thanh toán qua ngân hàng, có 90% trường học và 100% cơ sở y tế triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng... Cùng với đó, hiện gần như 100% các hàng quán trên địa bàn cũng như các tuyến đường dọc ven biển đã chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt. Khách có thể thanh toán bằng cách quét mã QR, chuyển khoản hoặc thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử...

Đặc biệt, trên các tuyến đường không dùng tiền mặt như Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trứ, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đình Dương, Phan Châu Trinh, phố chuyên doanh điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng; phố đi bộ và chợ đêm An Thượng, phố đêm và chợ Túy Loan… và các quầy hàng ăn uống đều dán mã QR, chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử để khách hàng dễ dàng chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Không những vậy hiện nay các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đều đã triển khai giải pháp gọi món và thanh toán qua mã QR dán trên bàn nhanh chóng, tiện lợi.

Phạm Thu Quyên, sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay: “Hầu như em đều dùng thanh toán không tiền mặt để trả cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Phương thức này vừa nhanh gọn, lại không phiền hà khi quán đông”. Tương tự, anh Phạm Văn Đức (trú quận Cẩm Lệ) cho biết, giờ đi mua sắm, ăn uống gì cũng không lo mang theo tiền mặt nữa. Chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc tấm thẻ ngân hàng là mọi chuyện đều xử lý nhanh chóng...

Các hình thức thanh toán, tra cứu thông tin đã được tích hợp vào mã QR để tăng sự tiện ích cho khách hàng. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Các hình thức thanh toán, tra cứu thông tin đã được tích hợp vào mã QR để tăng sự tiện ích cho khách hàng. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Ghi nhận tại nhiều chợ, siêu thị, lượng người chi trả qua thẻ ngân hàng và các ứng dụng khá nhiều. Ngay tại các gian hàng đa dạng lĩnh vực: thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, mini-mart, các dịch vụ viễn thông... đều triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai hoạt động này đến các xã vùng nông thôn của huyện Hòa Vang như xã Hòa Tiến, Hòa Ninh… Mới đây, UBND xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, phối hợp với Agribank Chi nhánh Khu công nghiệp Hòa Khánh (Agribank Nam Đà Nẵng), Công ty cổ phần viễn thông FPT tổ chức ra mắt chợ/tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (chủ sở hữu ứng dụng Viettel Money), hiện nay việc phát triển hình thức thanh toán không tiền mặt đã phổ biến gần như tất cả các cửa hàng buôn bán trong khu vực đô thị Đà Nẵng. Thậm chí tại nhiều chợ quê vùng ven, mua bó rau, hành cũng có thể thanh toán được. Trong khi đó, nhiều cửa hàng đã tiến lên một bước nữa là triển khai giải pháp order qua mã QR trên điện thoại. Đây là xu hướng bắt buộc, khi người dân ít xài tiền mặt…

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, để triển khai đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh triển khai phương thức thanh toán này và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện có trên 10 chợ áp dụng phương thức thanh toán này. Không chỉ có ở các chợ tại quận trung tâm Hải Châu, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt còn lan tỏa ở các chợ tại các quận khác như chợ Tam Thuận (quận Thanh Khê), chợ Hà Thân (quận Sơn Trà), chợ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) hay tại khu vực nông thôn như chợ Túy Loan, chợ Miếu Bông, chợ Lệ Trạch (huyện Hòa Vang).

Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức thành công nhiều tuyến phố chuyên doanh về ẩm thực, thời trang, phố đi bộ, phố đêm, hội chợ, phiên chợ... Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng triển khai các dịch vụ thanh toán lương qua tài khoản, thu hộ hóa đơn tiền điện - nước, dịch vụ viễn thông... dịch vụ chuyển tiền nhanh bằng mã Viet-QR, hay như các mô hình chợ 4.0 tại các chợ trên địa bàn tiếp tục được mở rộng đến các quận, huyện trên địa bàn; đồng thời miễn, giảm nhiều loại phí cho khách hàng.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.