Những ngày này, các nhà mạng viễn thông đã triển khai thực hiện bảo trì, nâng cấp, bổ sung thêm cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc cho người dân, khách du lịch khi đến với thành phố trong dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 sắp tới.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) đã hoàn tất các phương án bảo đảm chất lượng, chuẩn bị sẵn mọi kịch bản có thể xảy ra để có phương án xử lý nhanh, tối ưu nhất nhằm phục vụ tốt trong các đêm diễn ra DIFF 2024. Tại khu vực xung quanh khán đài tổ chức DIFF 2024, VinaPhone Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng mạng lưới cáp thông tin, dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho nhà hàng, quán ăn, địa điểm kinh doanh để nâng cao trải nghiệm cho du khách khi đến thành phố trước, trong, sau dịp DIFF 2024. VNPT Đà Nẵng đã ưu tiên nâng cấp, bảo đảm hoạt động tốt mạng 4G giúp khách hàng trải nghiệm về tốc độ dịch vụ tốt nhất. Mặt khác VNPT cũng tập trung mở rộng vùng phủ sóng 5G tại một số khu vực như cầu Sông Hàn, Cầu tình yêu, cầu Rồng và Công viên APEC, đường 2 tháng 9 và quảng trường, tuyến đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi tới cầu Rồng…
Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc VNPT Đà Nẵng cho biết, với DIFF 2024, VNPT Đà Nẵng đã thành lập ban chỉ đạo, điều hành riêng để thực hiện đánh giá, dự báo cũng như triển khai các giải pháp nhằm thực hiện chuẩn bị hạ tầng mạng lưới để bảo đảm tại thời điểm cao điểm nhất khách hàng vẫn có thể phát sóng trực tuyến qua sóng 3G, 4G và 5G. Đồng thời, đơn vị đã tăng cường năng lực mạng vô tuyến di động phục vụ lưu thoát tốt lưu lượng tại khu vực khán đài xem pháo hoa và một số điểm check-in quan trọng trong dịp DIFF 2024.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, phía MobiFone đã hoàn tất công tác tăng cường bổ sung năng lực mạng xử lý các vấn đề phát sinh và hạn chế về mặt kỹ thuật. Ngày 10-5-2024, Sở TT&TT đã phê duyệt các phương án bảo đảm kết nối mạng, thông tin liên lạc của nhà mạng MobiFone, sau đó, đơn vị này đã nhanh chóng thực hiện chạy thử, tối ưu thiết bị, hạ tầng mạng để bảo đảm thiết bị hoạt động ổn định. Trước đó, MobiFone đã thực hiện thống kê, phân tích số liệu để triển khai các giải pháp, cụ thể như: tính toán nhu cầu dựa trên lượng thuê bao; kiểm đếm hạ tầng, trạm phát sóng... Hiện đơn vị đã triển khai 36 điểm phát sóng BTS mới ngoài các trạm hiện hữu (tăng 250% so với năm 2023) tại khu vực tổ chức sự kiện, tập trung chính tại các khu vực tập trung đông người. Cùng với đó, đơn vị đã tăng cường thêm hơn 50 nhân sự ứng trực để giám sát và kịp thời phát hiện các sự cố phát sinh.
Trong khi đó, Viettel có lợi thế vì số lượng trạm phát sóng nhiều, song, để hạn chế tối đa các sự cố có thể phát sinh, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Chi nhánh Đà Nẵng (Viettel Đà Nẵng) cũng đã thành lập ban chỉ đạo, điều hành riêng để ứng cứu khi xảy ra các sự cố về mạng. Theo ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Viettel Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm về nâng cấp, bổ sung thêm các trạm kết nối di động, cố định tại khu vực tập trung đông người.
CHIẾN THẮNG