Hằng năm, PC Đà Nẵng luôn chủ động phối hợp với chính quyền các cấp để thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, các giải pháp phòng tránh tai nạn điện trong nhân dân đạt hiệu quả, đặc biệt là trước mỗi mùa mưa bão.
PC Đà Nẵng kiểm tra định kỳ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những khiếm khuyết trên lưới điện |
Theo thống kê, các vụ tai nạn điện đáng tiếc xảy ra đa phần do nguyên nhân chủ quan, bất cẩn trong sử dụng điện. Chẳng hạn như bất cẩn tiếp xúc trực tiếp với dây dẫn điện không có vỏ bọc, dây dẫn lâu ngày bị bong tróc lớp cách điện, treo kéo dây điện không đảm bảo an toàn, sửa chữa điện khi không có chuyên môn, treo kéo cáp viễn thông không xin phép…
“Qua việc đọc thông tin và hướng dẫn từ Điện lực thì tôi đã có thêm kiến thức về sử dụng điện, đặc biệt là biết được các cách phòng tránh tai nạn điện khi có mưa bão, giông sét” - anh Lê Văn Hòa (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) chia sẻ. Theo anh cho biết, gia đình đã kiểm tra đường dây từ sau công tơ về nhà, gia cố thêm sứ cách điện ở những chỗ cần thiết để yên tâm hơn trước mùa mưa bão sắp đến.
Với mỗi người dân, khi sử dụng các thiết bị điện nên lựa chọn các thiết bị có chất lượng, dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với công suất của thiết bị; lưu ý lắp đặt aptomat, công tắc, ổ cắm… nơi khô ráo và đủ độ cao ngoài tầm với của trẻ con. Nếu cần thông tin hoặc cần hỗ trợ các vấn đề liên quan đến sử dụng điện, khách hàng liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung qua tổng đài 19001909 để được giải đáp, hướng dẫn.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, trước mùa mưa bão năm 2024, các đơn vị trực thuộc PC Đà Nẵng đã tích cực phát quang hành lang tuyến, kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những khiếm khuyết trên lưới điện góp phần đảm bảo an toàn, cung ứng điện liên tục, chất lượng.
“Gia đình tôi chủ động phòng tránh các nguy cơ về điện trong mùa mưa bão bằng cách tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngành Điện về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Vừa rồi, chồng tôi cũng đã lắp thêm cầu dao chống giật để đề phòng sự cố về điện” - chị Hoa (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết.
Nhân viên pha chế này cho biết, khi có mưa bão thì phải lưu ý các ổ cắm để máy móc, thiết bị điện không bị ngập nước, thấm nước gây nguy hiểm. |
Hiện tại, PC Đà Nẵng đang quản lý vận hành hệ thống lưới điện trên địa bàn toàn TP. Đà Nẵng gồm: 169,43 km đường dây 110kV, 22,74 km cáp ngầm 110kV, 880,96 km đường dây 22kV, 1.982,42km đường dây 0,4kV, 264,59 km cáp ngầm trung thế, 127,03 km cáp ngầm hạ thế, 12 trạm biến áp 110kV, 2.985 trạm phân phối 22/0,4kV… Với khối lượng lưới điện tương đối lớn, dàn trải trên nhiều địa hình nên có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện, tai nạn điện do hành lang an toàn lưới điện bị xâm phạm, các công trình xây dựng gây ảnh hưởng vận hành các tuyến cáp ngầm, tình trạng trộm cắp cáp điện và thiết bị điện trên lưới, các bảng quảng cáo, cây cối ngoài hành lang ngã đổ vào đường dây khi có mưa bão.
Hàng năm, TP. Đà Nẵng là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lớn, bão lụt. Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, PC Đà Nẵng đã xây dựng các phương án phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án vận hành hệ thống điện trong bão lụt, phương án khôi phục cung cấp điện sau thiên tai. Công ty đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT&TKCN, thành lập đội xung kích và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các phương án vận hành, khôi phục lưới điện trước mùa mưa bão năm 2024.
Ông Nguyễn Thái Hùng - Trưởng phòng An toàn (PC Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương trên địa bàn để phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân, khách hàng sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão. Để nhanh chóng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống điện, đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra, Công ty luôn tuân thủ nguyên tắc “4 tại chỗ” (chỉ huy - lực lượng - vật tư và phương tiện - hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và vận dụng linh hoạt tùy vào từng điều kiện cụ thể”.
Lê Hải