Quản lý chất lượng hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử

.

Thành phố Đà Nẵng đã có những giải pháp trong quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhằm giúp người dân yên tâm hơn khi mua sắm kênh trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, mỗi tháng chị dành từ 4-6 triệu đồng để mua hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), trong đó, khoảng 5-10% sản phẩm thường xảy ra lỗi như: chất lượng không như quảng cáo, thiếu hàng, nguồn gốc không rõ ràng... Đến khi chị yêu cầu đổi trả do lỗi thì chỉ có một số ít cửa hàng đồng ý nhận, còn lại là tìm cách trốn tránh hoặc cắt liên lạc với khách hàng.

Trên thực tế, khách hàng trên sàn TMĐT có khả năng gặp rủi ro về chất lượng khi việc đăng ký bán hàng trên nền tảng này quá dễ dàng. Chị Huỳnh Tường Vy (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là một nhà bán lẻ trên sàn TMĐT cho biết, người có nhu cầu bán hàng có thể thực hiện đăng ký với sàn TMĐT và cung cấp thông tin cơ bản sản phẩm, địa chỉ giao hàng, tài khoản ngân hàng nhận tiền... Trong quá trình đó, người bán hàng hoàn toàn có thể khai không đúng hoặc khai gian mà vẫn có thể đăng ký được. Việc đăng ký quá đơn giản mà không cần quá nhiều thông tin xác thực từ chính quyền địa phương khiến nhiều đối tượng có ý đồ xấu tạo gian hàng ảo để lừa đảo hoặc bán các sản phẩm, mặt hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.

Thống kê từ Sở Công Thương cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 41 sàn TMĐT  chính thức được phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán hàng thu hút lượng lớn người tiêu dùng mua sắm. Từ năm 2020, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 7950/KH-UBND ngày 2-12-2020 về phát triển TMĐT thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ chính về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển TMĐT thành phố. Cụ thể, sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, tập huấn về quy định pháp luật, kỹ năng trong việc kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT; hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký, thông báo website TMĐT...

Cũng theo Sở Công Thương, hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực phát triển TMĐT và xuất khẩu trực tuyến chưa hoàn thiện và đang trong quá trình dự thảo, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển, thay đổi liên tục, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu mới. Việc hoàn thiện các quy định, nghị định liên quan đến TMĐT và xuất khẩu trực tuyến sẽ thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương, dù đã có những giải pháp tăng cường quản lý, xử lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng nhưng cơ quan chức năng vẫn gặp khó do trang thiết bị, công cụ phục vụ thực thi nhiệm vụ cũ; cơ sở hạ tầng, nhân lực còn hạn chế; an ninh mạng chưa được bảo đảm phục vụ TMĐT. Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến trên môi trường TMĐT đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong mua sắm. Một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến quyền, lợi ích, cùng với đó là tâm lý ngần ngại  trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm...

Theo ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại miền Trung - Tây Nguyên, song song với việc cập nhật, bổ sung hành lang pháp lý, thông suốt, các cơ quan quản lý cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến, từ đó tạo ra một môi trường hoạt động tích cực và bền vững. Bà Lê Thị Kim Phương cho rằng, các doanh nghiệp nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ; chủ động cung cấp thông tin về các chương trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, chất lượng. Mặt khác, để thúc đẩy sự minh bạch, niềm tin người tiêu dùng, cần sự tham gia của người bán, người mua, đơn vị sàn TMĐT và cơ quan quản lý nhà nước. Người bán cần chấp hành đúng quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực TMĐT và các quy định liên quan...

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.