Tập trung nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng cảng biển

.

Với lợi thế biển bao quanh thành phố, cùng nhiều vùng nước sâu, kín gió, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển. Vì vậy, Cảng Đà Nẵng đã và đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, từng bước đưa cảng Tiên Sa thành cảng biển lớn trong khu vực và cả nước.

Cầu cảng số 4 và 5 của Cảng Đà Nẵng vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: THÀNH LÂN
Cầu cảng số 4 và 5 của Cảng Đà Nẵng vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam, trong đó có cảng Tiên Sa. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua Cảng Đà Nẵng tiếp tục hoàn thành việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực. Cảng Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình, dự án quan trọng, phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, phát triển liên vùng; đồng thời, đưa vào hoạt động mới 1.700m cầu tàu, đủ điều kiện tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEUs và tàu khách đến 150.000 GRT cùng các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại.

Cùng với đó, Cảng Đà Nẵng đưa vào sử dụng phần mềm Cảng điện tử ePort dành cho hàng lẻ kho CFS, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng và chuyển đổi hoàn toàn dịch vụ cảng từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí; giúp tăng cường kế thừa và đồng bộ dữ liệu giữa các bộ phận. Mới đây, dự án xây dựng khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa hoàn thành kết hợp với hệ thống kho bãi có sẵn tại Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và các công ty thành viên, nâng tổng diện tích cảng lên gần 30 hecta. Dự án cũng bao gồm trang bị 4 cẩu ERTG và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu container đến 50.000 DWT và tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu khách tải trọng 168.000 GT. Đặc biệt là đưa vào sử dụng hệ thống camera + nhận dạng, cáp quang, checking point phần mềm điều khiển tại TS4, góp phần tăng năng suất khai thác tàu, cũng như việc giám sát an ninh, an toàn trong khai thác tàu...

Mặt khác, Cảng Đà Nẵng nhận thấy, việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo AI, IoT, và dữ liệu lớn (big data) có thể tối ưu hóa quy trình khai thác tàu, giao nhận hàng hóa, giảm thiểu thời gian chờ và nâng cao khả năng theo dõi, quản lý hàng hóa. Được biết, giai đoạn 2015-2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng bình quân 12%/năm (trong đó, hàng container tăng trưởng bình quân 15%/năm), doanh thu tăng trưởng bình quân 12%; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 11%/năm. Riêng năm 2023, sản lượng thông qua cảng đạt 12,20 triệu tấn, tăng 190,58% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng hàng container luôn chiếm hơn 60% cơ cấu tỷ trọng sản lượng hàng hóa qua cảng, năm 2023 tăng 254,75% so với năm 2015. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp, với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có, sau khi xây dựng hoàn thành xây dựng khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa với sức chứa xấp xỉ 110.000 TEUs, sẽ bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm; tạo động lực và khí thế mới cho cảng Tiên Sa.

Bốc xếp hàng hóa ở cầu cảng số 4 và 5. Ảnh: THÀNH LÂN
Bốc xếp hàng hóa ở cầu cảng số 4 và 5. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Trần Lê Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, sớm nhận thấy khuynh hướng container hóa cảng biển, ban lãnh đạo cảng đã nhanh chóng tập trung chiến lược phát triển hiện đại hóa hạ tầng cảng biển và xem hàng container là mặt hàng chủ lực, từng bước xây dựng cảng Đà Nẵng trở thành cảng container lớn và hiện đại nhất miền Trung. Trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng liên tục đầu tư máy móc, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Việc đầu tư xây dựng dự án bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa còn thể hiện cam kết của Cảng Đà Nẵng trong việc định hướng phát triển cảng theo hướng dịch vụ tàu container, tàu du lịch và tàu trọng tải lớn. Dự án đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận lớn từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, UBND thành phố, các đơn vị chức năng Trung ương và địa phương. Dự án hoàn thành góp phần không nhỏ vào sự phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng để cảng Tiên Sa trở thành cảng container hiện đại trong khu vực. Cảng Đà Nẵng xác định sẽ tiếp tục chú trọng vào những hoạt động cốt lõi, đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Cảng Tiên Sa, triển khai xây dựng khu bãi depot 20ha tại huyện Hòa Vang thành trung tâm logistics của miền Trung và Tây Nguyên. Trong chiến lược dài hạn, xây dựng và phát triển các bến cảng chính cùng với trung tâm logistics, Cảng Đà Nẵng phấn đấu là trung tâm dịch vụ và điều phối logistics của khu vực Trung Trung Bộ và của Hành lang kinh tế Đông - Tây.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.