ĐNO - Ngày 26-7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) tổ chức hội thảo thường niên về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Bảo tồn biển”.
Các đại biểu tham dự hội thảo thường niên về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Bảo tồn biển”. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam thông tin, ngày 28-6, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch không gian biển có chức năng giải quyết các xung đột giữa các ngành, các cấp, giữa những người sử dụng, khai thác tài nguyên ở khu vực biển.
Trên cơ sở giải quyết các xung đột hiện tại kết hợp với dự báo nhu cầu sử dụng, khai thác khu vực biển trong 10 năm đến, quy hoạch không gian biển có chức năng thứ 2 là phân bổ lại các khoảng, đơn vị không gian cho phát triển và bảo tồn.
Trong không gian biển dành cho phát triển được phân bổ không gian phát triển 6 ngành kinh tế và khu vực dự phòng dành cho các hoạt động đặc biệt khác.
Không gian biển dành cho bảo tồn cũng được phân bổ, phấn đấu đến năm 2045, có 6% diện tích vùng biển của quốc gia được bảo tồn.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem bước cụ thể hóa, hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện quy hoạch không gian biển, cần tôn trọng sự điều tiết của “thị trường” trong việc lựa chọn ngành hàng, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của từng ngành, lĩnh vực để khai thác, sử dụng các phân khu không gian biển được giao hoặc cấp phép.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đề cập đến vấn đề chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh; mở rộng “vùng xanh”...
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc cho rằng, hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức trong, ngoài nước và cộng đồng bàn thảo, đề xuất giải pháp, đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển của khu vực duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và khu vực duyên hải miền Trung nói riêng đang còn nhiều hạn chế và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người.
Trong Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 9-5-2024 theo Quyết định số 389/QĐ-TTg, có mục tiêu thành lập và hoạt động hiệu quả 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích 463.587ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Bên cạnh đó, có 149 khu vực ở vùng biển được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Từ thực tế đó, cần có những giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn biển được đồng bộ và hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các bên liên quan để cùng chung tay hành động, hiện thực hoá Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 389/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và những cam kết quan trọng của Việt Nam với quốc tế liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững.
PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng thông tin một số nội dung chính của hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng thông tin, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề chung, có tính định hướng như: quy hoạch không gian biển, quy hoạch bảo tồn biển, đồng quản lý; kinh nghiệm, giải pháp đối với công tác bảo tồn biển; hợp tác nghiên cứu, đào tạo, triển khai các dự án hỗ trợ bảo tồn biển và cải thiện sinh kế cho cộng đồng...
Từ đó, hội thảo cũng tập trung thảo luận về bản kiến nghị chính sách để gửi các bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp liên quan tham khảo và áp dụng vào công tác quản lý, hoạch định bảo tồn biển, phát triển kinh tế biển...
HOÀNG HIỆP