Giới thiệu, quảng bá chương trình 'Qua những miền di sản Việt Bắc' tại Đà Nẵng

.

ĐNO - Sáng 8-7, tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch 6 tỉnh Việt Bắc gắn với truyền thông, giới thiệu chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV- Bắc Kạn năm 2024.

“Qua những miền di sản Việt Bắc” là chương trình quảng bá văn hóa - du lịch cấp khu vực được tổ chức thường niên, luân phiên giữa 6 tỉnh vùng Việt Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, Việt Bắc là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc.

Các tỉnh Việt Bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng, đang là điểm đến thú vị, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Qua 14 năm tổ chức chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc",  đến nay, chương trình đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có, đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc - một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Tại khách sạn Mường Thanh Grand (số 962, Ngô Quyền, Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), 6 tỉnh Việt Bắc trưng bày, giới thiệu tờ rơi, tập gấp, mã QR… để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch.

Các đại biểu tham dự sự kiện tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: THU HÀ
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm. Ảnh: THU HÀ

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố, Đà Nẵng và 6 tỉnh Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng và lợi thế để liên kết phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch đặc sắc và có chiều sâu giá trị văn hóa, lịch sử.

Vùng Việt Bắc là cái nôi cách mạng, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu với nhiều di sản văn hóa độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, tiêu biểu.

Đà Nẵng là nơi giao thoa giữa các vùng, miền văn hóa - di sản của miền Trung với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận, gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An…

Tại chương trình, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với các tỉnh Việt Bắc.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với các tỉnh Việt Bắc. Ảnh: THU HÀ

“Hội nghị sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh khai thác nguồn khách nội địa đi và đến các địa phương, tăng cường giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới.

Đà Nẵng và 6 tỉnh Việt Bắc sẽ luôn đồng hành để cùng phát triển du lịch, phối hợp liên kết với nhau phát huy thế mạnh và tiềm năng, hợp tác nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mở tuyến du lịch với các sản phẩm liên kết vùng kết nối các địa phương để thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch đặc sắc và mang lại nhiều giá trị, trải nghiệm đa dạng cho người dân và du khách”, bà Hoài An chia sẻ.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
.