Vốn quan tâm tới các vật dụng thân thiện với môi trường, chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984) quyết định khởi nghiệp với các sản phẩm làm từ xơ mướp. Sau gần 2 năm khởi tạo sự nghiệp, các sản phẩm xơ mướp của chị đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước châu Âu.
Chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Thanh Khê) khởi nghiệp với các sản phẩm chế biến từ xơ mướp. Ảnh: M.Q |
Đầu tháng 6 vừa qua, dự án Xơ mướp Mộc Xơ đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên chị Võ Thị Ngọc Thư, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vũ Nguyên mang sản phẩm của mình tham gia cuộc thi khởi nghiệp.
Chị Thư chia sẻ, trước khi “bén duyên” kinh doanh các sản phẩm xơ mướp, chị là giảng viên của một trường cao đẳng trên địa bàn thành phố. Nhận thức về sự cần thiết của việc phổ biến các vật dụng thân thiện với môi trường và trên địa bàn thành phố vẫn chưa có các cơ sở chế biến sản phẩm từ xơ mướp, chị Thư quyết định đầu tư và khởi nghiệp vào năm 2022. Theo đó, xơ mướp dai, sợi mướp nhanh khô, không ám mùi, mềm, ít gây xước da nên rất phù hợp để làm các vật dụng như dép, túi, miếng rửa chén, rửa ly, đai tắm… và chị xem đây là tiềm năng để sản xuất, kinh doanh.
Thời gian đầu, chị Thư hợp tác với các nông dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để trồng khoảng 0,5ha mướp. Với kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật, chị Thư học hỏi để gieo trồng mướp giống như thế nào nhiều xơ và quả to. Với mướp dùng để ăn thì chỉ cần 1-1,5 tháng từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch, tuy nhiên, mướp để lấy xơ cần khoảng 3 tháng để mướp gần như khô vỏ (khô khoảng 80%) rồi mới thu hoạch. Mỗi vụ thu hoạch thu được 500-700 quả/sào (0,05ha). Từ 0,5ha ban đầu, đến nay chị Thư đã mở rộng vùng sản xuất tại huyện Duy Xuyên lên 3ha và 1,5 ha ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trung bình mỗi tháng các vùng sản xuất cung cấp nguyên liệu khoảng 3.000-4.000 quả mướp để xưởng sản xuất của chị Thư gia công.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, chị Thư đề nghị những hộ trồng mướp lấy xơ phải gia cố giàn chắc chắn để không bị sập, khi thu hoạch phải đúng quy trình nhằm bảo đảm độ trắng, độ dày của xơ. Sau khi thu hoạch, xơ mướp được sơ chế, làm sạch, phơi khô rồi đưa về xưởng để thực hiện các quy trình cán, cắt dập may định hình, đóng gói...
Sau thời gian tìm kiếm thị trường ban đầu, đến nay các sản phẩm Xơ mướp Mộc Xơ đã xuất hiện tại một số cửa hàng lưu niệm trên cả nước và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước châu Âu với số lượng sản phẩm khoảng 10.000 cái/tháng. Hiện xưởng sản xuất của chị Thư tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/tháng, 3 lao động thời vụ với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng và 10 hộ nông dân tại các vùng trồng.
Chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Thanh Khê) khởi nghiệp với các sản phẩm chế biến từ xơ mướp. Ảnh: M.Q |
Nói về các dự định, chị Thư cho hay sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Trước mắt là đầu tư thêm máy ép, máy cắt, máy thêu, máy may để đẩy nhanh tốc độ sản xuất. Dù xuất khẩu thuận lợi, nhưng chị Thư xác định sẽ đẩy mạnh thị trường nội địa thông qua các hội chợ cũng như tiếp cận chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mở rộng vùng sản xuất tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) để tạo việc làm cho người dân địa phương. “Bên cạnh lợi nhuận, mình mong muốn dự án của mình được nhiều người biết tới, sử dụng xơ mướp để góp phần thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó giúp môi trường xanh hơn”, chị Thư nói.
Đánh giá về tiềm năng của dự án Xơ mướp Mộc Xơ, ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho rằng, việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường là vô cùng quan trọng. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ dự án trong các giai đoạn tiếp theo nhằm mục đích kết nối và tạo điều kiện xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu cho dự án; hướng dẫn dự án thực hiện các thủ tục nhằm nhận sự hỗ trợ từ các chính sách về khởi nghiệp của thành phố; hỗ trợ đào tạo kiến thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp; định hướng xây dựng kế hoạch nghiên cứu công nghệ sản xuất và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu.
MAI QUẾ