Sau 3 năm thực hiện, đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô” gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đạt nhiều tín hiệu khả quan. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản cũng như thúc đẩy sự phát triển sản phẩm du lịch địa phương.
Đoàn học sinh đến tham quan, học tập tại làng nghề nước mắm Nam Ô. Ảnh: NHẬT HẠ |
Góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề
Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, làng nghề làm nước mắm Nam Ô đang được duy trì và phát triển ở phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc. Tính đến tháng 1-2024, Hội làng nghề nước mắm Nam Ô có 69 hội viên, trong đó có 3 Hợp tác xã (HTX mắm nhĩ Bình Minh, HTX nông nghiệp Hòa Hiệp I, HTX Ô Long), 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, các hộ còn lại làm theo mùa vụ. Mỗi năm, sản lượng nước mắm tiêu thụ đạt từ 200-300 nghìn lít, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như mắm ruốc, mắm cái, cá khô các loại, bình quân đạt từ 25-30 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 220 lao động.
Để bảo tồn và phát triển nghề làm nước mắm Nam Ô, các sở, ban, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ làng nghề như đầu tư về dụng cụ, bao bì, nhãn mãn, tổ chức tư vấn, hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP, tạo điều kiện để các chủ thể tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu… UBND quận Liên Chiểu đã xây dựng đội tàu 6 chiếc có công suất từ 20-145 CV để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho bà con làng nghề sản xuất nước mắm; tập huấn cho hội viên Hội làng nghề nước mắm Nam Ô về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chuyển đổi số, sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó địa phương cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường như xây dựng sơ đồ hướng dẫn hệ thống giao thông trong làng nghề, các vị trí di tích lịch sử, văn hóa, chỉ dẫn đến các cơ sở sản xuất của làng nghề. Quận đã tiến hành cấp giấy chứng nhận biển số nhà cho khu dân cư; đầu tư và cải tạo hệ thống mương thoát nước, đường bê-tông, điện chiếu sáng theo kế hoạch hằng năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên, sau khi đề án được ban hành, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ cho làng nghề. Đề án được xem là một bước đột phá để bảo tồn và phát triển làng nghề, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, chức năng và người dân làng nghề trong bảo tồn và phát triển nghề làm nước mắm trên địa bàn thành phố. Trong quá trình thực hiện tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc triển khai dần đi vào chiều sâu, thực chất, vừa bảo đảm đời sống của người dân vừa bảo tồn và phát triển làng nghề.
Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề
Để nước mắm Nam Ô phát triển bền vững, thời gian qua, các sở, ban, ngành tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Trong đó Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành hình thành các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP, hàng Việt tại siêu thị MM Mega Market, chợ Hàn, chợ Cồn,...; hỗ trợ các hộ sản xuất tham gia các hội chợ và giao thương kết nối tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Sở Du lịch hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP địa phương trên cổng thông tin du lịch; kết nối các doanh nghiệp du lịch (khách sạn, cơ sở kinh doanh đạt chuẩn, siêu thị đặc sản…), đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô vào khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Sở Du lịch đã tư vấn công tác quy hoạch, đầu tư, nâng cấp và khai thác dịch vụ du lịch với các dự án bảo tồn, nâng cấp di tích, làng nghề làng nước mắm Nam Ô, góp ý ý tưởng quy hoạch tu bổ, phục hồi các di tích văn hóa lịch sử tại Nam Ô; kết nối các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch học đường, hoạt động trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô.
Đến nay, đã hình thành các chương trình du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa địa phương, làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với các điểm di tích văn hóa - lịch sử địa phương; Sở Khoa học và Công nghệ đã “Xây dựng Làng nghề nước mắm Nam Ô trên nền tảng thực tế ảo Tour VR360”; tham mưu thành phố đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của Đà Nẵng…
Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, nước mắm Nam Ô là một trong những sản phẩm đặc trưng của địaphương. Do đó, tại chuỗi sự kiện “Hành trình văn hóa ẩm thực Việt” do khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng phối hợp với Hội khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng tổ chức vào mỗi quý trong năm 2024 đều có trưng bày sản phẩm nước mắm Nam Ô với mong muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Còn ông Bùi Thanh Phú, Chủ hộ kinh doanh nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ cho biết, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, thành phố, những người làm nghề có cơ hội phát triển thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, quảng bá thu hút khách du lịch, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, để phát triển quy mô làng nghề cũng như thu hút được đông đảo khách du lịch, nhất là các đoàn khách đông đến học tập, tham quan làng nghề… thì các hộ kinh doanh mong muốn thành phố, địa phương mở rộng bờ kè phía biển để xe lớn có thể chở khách được vào gần hơn với làng nghề thay vì khách phải đi bộ xa như hiện nay.
Theo ông Trần Công Nguyên giai đoạn 2025-2030, quận tập trung phát triển, mở rộng quy mô làng nghề theo hướng phát triển ổn định, bền vững làng nghề nhằm bảo đảm mục tiêu vừa phát triển làng nghề vừa đảm bảo đời sống của bà con làng nghề. Đồng thời, phát triển làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm theo hướng vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường; đẩy mạnh triển khai các tuyến điểm du lịch gắn với làng nghề nước mắm Nam Ô; tăng cường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng; đẩy mạnh tiến độ hình thành điểm du lịch, mô hình du lịch homestay để thu hút du khách đến tham quan, du lịch…
NHẬT HẠ