Nhân rộng các mô hình phụ nữ khởi nghiệp

.

Phong trào phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, trong đó, có nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhiều người. Đồng thời, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo phụ nữ tại các địa phương.

Chị Nguyễn Ngọc Kim Anh (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) dành trọn tâm huyết cho rượu nếp gạo với hy vọng giữ gìn hương vị truyền thống dân tộc. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Ngọc Kim Anh (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) dành trọn tâm huyết cho rượu nếp gạo với hy vọng giữ gìn hương vị truyền thống dân tộc. Ảnh: NVCC

Là giáo viên về hưu và đam mê với đồ đan móc thủ công, chị Cao Thị Thu Vân (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) quyết định khởi nghiệp các sản phẩm từ len sợi handmade. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng, chị Vân không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và cho ra mắt nhiều mẫu hấp dẫn từ len sợi như: túi, ví, mũ, áo, quà lưu niệm, hoa, các con vật...

Đặc biệt, trong các ngày lễ 8-3, 20-10, sản phẩm len từ hoa, quà lưu niệm nhận được nhiều đơn đặt hàng làm quà tặng. Nói về cơ duyên, chị Vân tâm sự: “Trước đây, do yêu thích đan len sợi nên tôi tự tìm tòi, học nghề trên mạng và làm ra những sản phẩm nhỏ dành cho bản thân và gia đình sử dụng. Sau này, những sản phẩm do tôi làm ra được nhiều bạn bè, người quen yêu thích và đặt hàng”.

Hiện nay, các sản phẩm len handmade của chị Vân được bán thông qua hình thức online, khai thác kênh bán hàng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Với giá thành hấp dẫn, mẫu mã đẹp và được chăm chút chất lượng, các sản phẩm handmade từ len của chị Vân ngày càng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của khách hàng. Tùy theo kiểu dáng, sản phẩm có giá thành 15.000 - 500.000 đồng/sản phẩm, cung cấp cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chị Vân cho biết, hiện đang vận động các chị em, học sinh có cùng đam mê, sở thích trên địa bàn phường để thành lập nhóm, dạy nghề miễn phí, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và đưa sản phẩm đến với khách hàng nhiều hơn nữa. “Thị trường lĩnh vực kinh doanh này hiện đang thu hút nhiều bạn trẻ khéo tay tham gia. Tuy nhiên, để phát triển với nghề, mỗi người cần tự tìm tòi, sáng tạo những mẫu mã khác biệt, mang bản sắc riêng để chinh phục khách hàng bằng sự độc lạ, mới mẻ”, chị Vân nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Kim Anh (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) dành trọn tâm huyết cho rượu nếp với hy vọng giữ gìn hương vị truyền thống dân tộc. Thành lập công ty khi chỉ mới 24 tuổi, chị gặp không ít khó khăn, từ việc huy động vốn đến cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Chị phải dành thời gian học hỏi, tìm tòi và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện quy trình sản xuất và kinh doanh.

Đến nay, sản phẩm rượu nếp sữa Ái Lâm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố năm 2023. Chia sẻ về quy trình sản xuất rượu, chị Kim Anh cho hay, để có những giọt rượu nếp nguyên chất đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, kỳ công từ khâu nấu cơm rượu, phối trộn men, lên men, ủ cơm. Mỗi tháng, chị bán được hơn 200 lít rượu, với giá thành từ 120.000 đồng/sản phẩm. Hiện tại, chị tạo việc làm cho 10 người.  Chị hy vọng có thể đưa sản phẩm ra những thị trường lớn hơn để quảng bá rượu nếp truyền thống Việt Nam đến với thế hệ trẻ và cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang Trần Thị Kim cho biết, phong trào khởi nghiệp của phụ nữ huyện thời gian gần đây diễn ra sôi nổi và tích cực. Chị em hội viên rất sáng tạo, chịu khó học hỏi, tìm tòi hướng đi mới trong kinh doanh. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin về những hội viên có nhu cầu phù hợp để kịp thời hỗ trợ, tiếp sức mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn trên, hội viên phụ nữ có nhu cầu có thêm kênh trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, bà Kim nói.

KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.