Thu hút hội viên từ những mô hình, hoạt động thiết thực

.

Hội Nông dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của người dân. Qua đó, góp phần thu hút hội viên, nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào nông dân.

Để thu hút và tập hợp hội viên, Hội Nông dân xã Hòa Liên xác định làm tốt công tác trợ giúp nông dân, nhất là trong các hoạt động giảm nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: P.V
Để thu hút và tập hợp hội viên, Hội Nông dân xã Hòa Liên xác định làm tốt công tác trợ giúp nông dân, nhất là trong các hoạt động giảm nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: P.V

Để thu hút và tập hợp hội viên, Hội Nông dân xã xác định làm tốt công tác trợ giúp nông dân, nhất là trong các hoạt động giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, hội triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân vay vốn; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây, con giống đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Từ đầu năm đến nay, hội phối hợp hỗ trợ thoát nghèo cho 5 hội viên; hỗ trợ 3 hộ với 600 con gà; hiện đang khảo sát 2 hộ để sửa chữa nhà ở với số tiền 50 triệu đồng. Cùng với đó, cán bộ, hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt; chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân xã phát triển 40 hội viên; giới thiệu 6 quần chúng ưu tú đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, đến nay đã kết nạp 1 đảng viên mới và hiện đang hoàn thiện hồ sơ kết nạp cho 3 hội viên. Ngoài ra, hội hỗ trợ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2 hội viên, mỗi hộ 100 triệu đồng để nuôi chồn hương.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Vào thời điểm khó khăn nhất, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho nhiều gia đình phát triển kinh tế. Qua đó, hộ dân vượt qua khó khăn, từng bước có cuộc sống ổn định”. Vừa qua, hội thành lập 1 chi hội nông dân nghề nghiệp trồng dưa hấu với 28 hội viên; 1 tổ hợp tác mai cảnh và cây bonsai với 7 thành viên. Hiện chi hội nghề nghiệp trồng dưa hấu hoạt động đạt hiệu quả cao, vụ đầu sản xuất doanh thu từ 8-11 triệu đồng/sào.

Từ diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, bị bỏ hoang nhiều năm, Hội Nông dân xã đã khai hoang 3,2ha đất để trồng lúa tại thôn Hưởng Phước; khai hoang 3ha đất tại thôn Hiển Phước, Quan Nam 3 và Trường Định để trồng 300 cây bưởi và 1.000 cây vú sữa. Cũng trong thời điểm trên, Chi hội nông dân thôn Hiển Phước khai hoang 0,5ha đất để trồng nếp đắng, đến nay đang phát triển tốt.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho hội viên nông dân, tạo việc làm ổn định cho 80 hội viên sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề. Đồng thời, rà soát nhu cầu, đề xuất mở lớp tập huấn về trồng hoa, cây cảnh, dạy nghề trồng nấm bào ngư… Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, thời gian qua, Hội Nông dân xã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt. Cụ thể, các buổi sinh hoạt là dịp trao đổi, giải đáp thắc mắc giữa hội viên và cán bộ về các vấn đề xoay quanh công tác hội và phong trào nông dân với những hình thức như: hỏi đáp; thảo luận nhóm; chia sẻ kinh nghiệm...

Trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình tập thể mang lại thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp sinh thái Trường Định có 7 thành viên, với nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao trên nền tảng nông trại giáo dục, du lịch sinh thái (nuôi cá, trồng hoa sen, hoa súng), qua đó, tạo việc làm cho gần 15 hộ dân, chi trả 7 triệu đồng/người/tháng; Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ vận chuyển có 22 thành viên, giải quyết việc làm cho 70 lao động là người địa phương.

Hội chú trọng hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học, công nghệ; thường xuyên tổ chức tập huấn cho nông dân về các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới, tạo tiền đề đánh giá và đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm chủ lực ở địa phương như: nếp đắng, dưa hấu, chả bò…hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; đề xuất đánh giá sản phẩm OCOP chả bò Nam Sương; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh.

Hiện có 5 thành viên tham gia giới thiệu sản phẩm qua sàn điện tử (tinh dầu sả, yến, chả bò Nam Sương, dưa hấu, nấm bào ngư). Nhiều mô hình đạt hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Nuôi sâu canxi và trùn quế đã nhân rộng cho 20 hộ nuôi nhằm tạo thức ăn cho gia súc, gia cầm; lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi với 30 hộ tham gia…

Ông Trần Quang Vinh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập tổ hội nghề nghiệp với mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học. Đồng thời, khuyến khích hội viên tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp tổ chức phong trào, mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

TRIỀU SAN

;
;
.
.
.
.
.