Đẩy mạnh truyền thông chính sách phát triển đô thị thông minh

.

Công tác tuyên truyền, phổ biến hay truyền thông là một trong những bước thiết yếu, việc làm đầu tiên, xuyên suốt để tổ chức triển khai các chính sách nói chung, chính sách phát triển thành phố thông minh nói riêng. Truyền thông chính sách có tác dụng làm cho các chủ thể chính sách và quần chúng, nhân dân nhận thức được vai trò của mình để phát huy quyền làm chủ xã hội trong việc thực thi các chính sách liên quan.

Công tác tuyên truyền để xây dựng và phát triển đô thị hiện đại, thông minh cần được tiếp tục triển khai sâu rộng trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng với không gian mở rộng và hiện đại. Ảnh: PV
Công tác tuyên truyền để xây dựng và phát triển đô thị hiện đại, thông minh cần được tiếp tục triển khai sâu rộng trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng với không gian mở rộng và hiện đại. Ảnh: PV

Truyền thông chính sách cũng là một hình thức tiếp cận mở rộng dân chủ, để “dân biết, dân bàn, dân tham gia, dân giám sát và dân thụ hưởng” trong tổ chức thực hiện chính sách. Nhờ đó, người dân mạnh dạn tham gia quản lý xã hội, tự giác chấp hành chính sách, chủ động đề xuất, kiến nghị với cơ quan chính quyền các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu chính sách.

Nhận thức và quán triệt tinh thần đó, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hội nghị học tập để quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Để làm căn cứ và cơ sở cho hoạt động này, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 10-8-2020 về lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Ngày 22-2-2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 36-KH-UBND về triển khai thực hiện thiết kế đô thị được duyệt tại khoản 9 điều 1 Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ căn cứ chính trị, pháp lý nêu trên, các cơ quan của thành phố liên tục thực hiện các hoạt động tuyên tuyền nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, hình thành bầu không khí phấn khởi, đoàn kết, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về thí điểm xây dựng chính quyền đô thị và thành phố thông minh.

Các cơ quan báo, đài đã tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, quận, phường và đài phát thanh quận, phường đăng tải các văn bản triển khai thực hiện. Các quận, phường thông báo trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo và tuyên truyền cổ động trực quan trên các trục đường chính của quận, phường; tổ chức nhiều hội thi trực tuyến tìm hiểu về chính quyền đô thị thu hút hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Các phường phổ biến các chủ trương, quy định về thí điểm chính quyền đô thị thông qua các cuộc họp của cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận và tổ dân phố ở khu dân cư.

Qua hoạt động truyền thông, bước đầu đã nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm và năng lực xây dựng đô thị thông minh cho các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức. Các cơ quan truyền thông đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền về đô thị thông minh và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Điều cần nhấn mạnh là thông qua hoạt động truyền thông chính sách, chính quyền thành phố, các cơ quan hữu quan, cán bộ có nhiệm vụ thực thi chính sách phát triển thành phố thông minh của Đà Nẵng có cơ hội để lắng nghe, thu thập thông tin từ các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân một cách cầu thị để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp, kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền và hoạt động truyền thông chính sách vẫn còn một số hạn chế như truyền thông vẫn chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng.... Một bộ phận cán bộ chưa nhận thức tầm quan trọng của quá trình phát triển thành phố thông minh. Do vậy, để tiếp tục phát huy các thành quả, khắc phục những hạn chế trong hoạt động truyền thông chính sách về phát triển thành phố thông minh, thời gian đến cần làm tốt các nội dung:

Thứ nhất, chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở để thống nhất nhận thức và quyết tâm hành động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu hành phố thông minh ở các giai đoạn tiếp theo. Thời gian đến, ban chỉ đạo thực hiện thành phố thông minh cần chỉ đạo quyết liệt cho các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố phải đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác truyền thông nhằm vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của tiến trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh,... nhằm tạo động lực và sự đồng thuận đối với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ công viên chức.

Điều quan trọng hơn là cần có cơ chế kiểm soát, tiến hành đánh giá một cách khách quan, chính xác, hiệu quả nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách về thành phố thông minh; tránh trường hợp tuyên truyền nhưng hiệu quả không cao.

Thứ hai, cần có cơ chế phối hợp, phân công cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan, ban ngành đối với hoạt động tuyền thông về thành phố thông minh, tránh trùng lặp, dẫm chân lên nhau trong hoạt động tuyền thông (nhất là về nội dung, đối tượng). Thực tế thời gian qua cho thấy, một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực sự vào cuộc trong hoạt động truyền thông về thành phố thông minh.

Theo đó, cần phải nhận thức rằng làm tốt công tác truyền thông không chỉ để chính quyền, doanh nghiệp, người dân hiểu về thành phố thông minh mà hơn thế nữa là tạo ra động thái, hiệu ứng tích cực trong thu hút các nguồn lực, tăng cường sự tham gia, hình thành nếp nghĩ tích cực, hành động phù hợp để góp phần xây dựng, phát triển thành phố thông minh một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức tuyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền. Các nội dung, lĩnh vực về thành phố thông minh gần như bao trùm toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội như quản trị, kinh tế, giao thông, môi trường, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp thoát nước, cấp điện, công dân thông minh…

Trong giai đoạn 2 của đề án Thành phố thông minh là bắt đầu khai thác và ứng dụng nhiều thành tựu ở giai đoạn 1 nên nội dung, cách thức tuyên truyền cũng phải thay đổi và tăng cường. Thời gian đến cần chú trọng hơn các nội dung tuyên tuyền gắn với từng nhiệm vụ cụ thể để người dân, doanh nghiệp hiểu được các hạng mục thông minh đang khai thác và dễ tiếp cận, hưởng ứng, sử dụng.

Thứ tư, đa dạng hóa trong sử dụng các phương tiện truyền thông, các phương thức truyền thông mới, truyền thông xã hội để nâng cao chất lượng, tính hiệu quả, tính tương tác. Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan báo, đài đã mở một số chuyên mục riêng về “Chuyển đổi số” và mang lại nhiều chuyển biến nhất định, thế nhưng, nhìn một cách bao quát, tính hiệu quả vẫn chưa thật sự như kỳ vọng.

Hiện nay, hầu hết người dân sử dụng điện thoại thông minh gắn liền với các mạng xã hội, điều này rất tốt nếu nhìn góc độ truyền thông. Nói cách khác, Đà Nẵng cần khai thác tốt hơn nữa về phương tiện truyền thông xã hội thông qua các mạng xã hội hiện hữu và các app về thành phố thông minh. Một mặt vừa hướng dẫn người dân, doanh nghiệp các kỹ năng tương tác trên môi trường mạng, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên mạng; bảo vệ an toàn thông tin cá nhân; khai thác, sử dụng tốt các tiện ích của thành phố thông minh từ các dịch vụ giáo dục, y tế, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện đến phản ánh các vấn đề nảy sinh; mặt khác tạo tiện ích cho quá trình thực hiện các giao dịch công điện tử, khả năng tham gia và giám sát của người dân,…

Thứ năm, chú trọng hơn trong tuyên tuyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhất là người dân thành phố Đà Nẵng để tranh thủ sự ủng hộ, tăng cường mức độ tham gia, đồng hành, sẻ chia trách nhiệm trong tiến trình triển khai phát triển thành phố thông minh; lưu ý tăng sự tương tác, phản hồi (tránh truyền thông một chiều), hình thành các phương thức để người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý, hiến kế cho việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh cho Đà Nẵng.

Đặc biệt ở giai đoạn 2, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong vận hành, sử dụng và áp dụng các tiện ích của thành phố thông minh vào hầu hết các lĩnh vực.

Thứ sáu, cần có kế hoạch lồng ghép một số nội dung cốt lõi, cần thiết; lồng ghép các ý tưởng xây dựng các ứng dụng thông minh và các chương trình, giáo dục đào tạo cho học sinh các cấp học (tùy theo cấp học và lồng ghép các nội dung phù hợp) để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân Đà Nẵng, từ đó hình thành thói quen, tư duy về thành phố thông minh trong tầng lớp công dân trẻ trong tương lai của thành phố.

Hơn nữa, với một thành phố mang thương hiệu là “5 không, 3 có, 4 an” thì việc gắn kết giữa công nghệ số, thành phố thông minh với “thương hiệu” này là rất quan trọng. Trong đó, việc xúc tiến hơn nữa “có lối sống văn hóa, văn minh đô thị” (trong chương trình “3 có”) cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, vận hành thành phố thông minh ở giai đoạn tiếp theo.

TS. PHẠM ĐI, Học viện Chính trị khu vực III

;
;
.
.
.
.
.