Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, cộng đồng

.

Việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND của HĐND thành phố Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đã giúp huyện Hòa Vang không những trở thành điểm du lịch hấp dẫn mà còn tạo cơ hội để tận dụng tiềm năng, thế mạnh để tăng giá trị cho đất đai và phát triển kinh tế.

Huyện Hòa Vang có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa.  Trong ảnh: Phong cảnh đồng quê vào tháng 8 này tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN SƠN
Huyện Hòa Vang có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa. Trong ảnh: Phong cảnh đồng quê vào tháng 8 này tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN SƠN

Đánh thức du lịch vùng nông thôn

Sau khi Nghị quyết số 82/NQ-HĐND được ban hành ngày 17-12-2021, UBND huyện Hòa Vang xét chọn 7 mô hình được hoạt động thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, chưa đầy một năm, khi các mô hình được chọn đưa vào hoạt động, đã chứng minh việc tích hợp thương mại dịch vụ vào sản xuất nông nghiệp làm tăng giá trị lên nhiều lần và có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang. Các mô hình tạo việc làm tại chỗ cho 25 đến 30 lao động địa phương. Trung bình 8 đến 10 lao động mỗi mô hình, mức lương cơ bản 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, các điểm du lịch nông nghiệp đang triển khai hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí, dã ngoại của học sinh và người dân thành phố Đà Nẵng. “Hằng tháng, các khu Banarita Glamping Farm, An Phú Farm, Vườn nho thung lũng Nam Yên đón 1.000 đến 1.500 khách du lịch. Các dịch vụ du lịch được triển khai đa dạng, hiệu quả, thiết thực đúng theo định hướng của nghị quyết”, ông Tân cho hay.

Anh Dương Hiển Tú, chủ mô hình An Phú Farm, mạnh dạn đầu tư vào mô hình làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác du lịch. Với số vốn hạn chế nên ban đầu anh Tú chỉ làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp chăn nuôi để bán nông sản sạch. Đến nay, trang trại cho doanh thu ổn định, bắt đầu đón khách tham quan, trải nghiệm dịp cuối tuần. Ngày cao điểm, trang trại đón 400 khách trong nước và quốc tế lên tham quan, trải nghiệm dịch vụ. “Trước đây chưa thực hiện theo đề án du lịch, thu chưa chắc đã bù chi, nhưng sau gần 1 năm triển khai đề án, doanh thu tăng lên gấp đôi và bắt đầu Farm có hiệu quả, có lợi nhuận”, anh Tú nói.

Cấp phép khi bảo đảm các tiêu chí

Ông Nguyễn Văn Diệp (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) vừa được UBND huyện cấp phép đầu tư cho mô hình Sơn Phước Farm, cho rằng việc HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND là sự quan tâm rất đúng hướng của lãnh đạo thành phố trong phát triển du lịch của Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các chủ mô hình, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND vẫn còn gặp nhiều vướng mắc bởi các tiêu chí quy định tại nghị quyết.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, hiện nay Hòa Bắc có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái, 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú. Việc triển khai đề án phát triển du lịch được sự đồng thuận từ chính quyền và người dân địa phương; được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ lãnh đạo thành phố, huyện và phối hợp của các cơ quan, đơn vị, có liên quan trong việc triển khai thí điểm. Tuy nhiên, qua triển khai thí điểm vẫn còn những khó khăn đối với các mô hình thuộc đất rừng sản xuất. Bởi theo nguyên tắc thực hiện thí điểm Nghị quyết số 82/NQ-HĐND, mô hình thực hiện không được thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng, không làm thay đổi hiện trạng đất, rừng nên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lắp dựng công trình phục vụ khai thác du lịch.

“Ban đầu thấy quy định của nghị quyết là 70% diện tích là trồng cây nông nghiệp, 30% là cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch là phù hợp. Nhưng qua thời gian triển khai, diện tích sản xuất đất nông nghiệp vẫn còn ít so với xây dựng. Nên chăng cần tăng diện tích đất nông nghiệp, dựng các tiểu cảnh, bố trí khu vực lưu trú”, ông Nam đề xuất.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho rằng, để việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-HĐND đạt hiệu quả, UBND huyện đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các chủ đầu tư làm hồ sơ bảo đảm các nội dung quy định theo Bộ tiêu chí về các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đã ban hành. Theo đó, mô hình đăng ký thí điểm phải đáp ứng các tiêu chí của huyện trong đó nhấn mạnh thật sự phù hợp, thu hút, tham gia giải quyết việc làm tại chỗ, tuyệt đối không để các trường hợp đầu tư trở thành điểm sinh hoạt vui chơi cho gia đình. “Những trường hợp mặc dù bảo đảm các điều kiện, tuy nhiên không bảo đảm về giao thông, tác động ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng..., UBND huyện không xem xét chấp nhận cho thí điểm”, ông Dũng khẳng định.

Hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù
Ngày 14-3-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái tự nhiên; phát triển chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng, 100% cơ sở du lịch được đào tạo kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch; hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.