Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp gắn với chuyển đổi xanh và bền vững

.

Phong trào khởi nghiệp của phụ nữ thành phố phát triển tích cực với những dự án và ý tưởng sáng tạo, có tính khả thi cao. Đặc biệt, các dự án khởi nghiệp chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ... để gắn với xu thế phát triển xanh và bền vững.

Chị Đỗ Thị Thanh Thúy với dự án khởi nghiệp về “Trà lá ổi”. Ảnh: NVCC
Chị Đỗ Thị Thanh Thúy với dự án khởi nghiệp về “Trà lá ổi”. Ảnh: NVCC

Chị Đỗ Thị Thanh Thúy (thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) bắt đầu hành trình khởi nghiệp của bản thân với ý tưởng về sản phẩm “Trà lá ổi”. Sẵn có vườn cây ổi của gia đình tự trồng, bên cạnh việc lấy trái, chị Thúy nhận thấy lá ổi là một loại nguyên liệu hữu ích cho sức khỏe. Từ đây, với mong muốn tạo ra sản phẩm thiên nhiên, chị đã tìm tòi, học hỏi và phát triển ý tưởng kinh doanh từ cây ổi. Cuối năm 2019, cơ sở “Trà lá ổi Thanh Thúy” của chị đưa vào hoạt động chế biến. Đến nay, sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh khu vực miền Trung. Bên cạnh phương thức truyền thống, chị Thúy cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức kinh doanh online thông qua sàn thương mại điện tử và nền tảng Facebook, Zalo… Mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ từ 600-700 hộp với hộp nhỏ gồm 10 túi lọc giá 40.000 đồng, hộp lớn gồm 30 túi lọc giá 110.000 đồng. Ngoài ra, cơ sở còn giúp tạo việc làm ổn định cho 3 chị em phụ nữ ở địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Thúy chia sẻ: “Ưu điểm của dự án khởi nghiệp này là sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương (lá ổi tự nhiên và nguồn chè dây trồng thâm canh), từ đó cho ra các sản phẩm an toàn, đạt chất lượng cao. Cơ sở cũng ưu tiên đầu tư hệ thống thống tưới tự động và chăm sóc cây trồng theo quy trình nghiêm ngặt. Trong đó, từ nguồn nguyên liệu đầu vào không hóa chất đến khâu chế biến và bảo đảm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Thời gian đến, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện sản phẩm để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP và tối ưu bao bì, nhãn mác. Đồng thời, xây dựng vùng trồng liên kết giữa các hộ dân trên địa bàn xã để ổn định nguồn nguyên liệu cần thiết cho sản xuất. Qua đó, sẽ đem lại giá trị kinh tế vững chắc, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động cũng như lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp đến với nhiều chị em phụ nữ khác”.

Còn đối với chị Lê Thị Kim Trâm (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), hành trình khởi nghiệp của chị bắt đầu một cách đầy tình cờ. Chị Trâm nhớ lại: “Mỗi khi con tôi ho, sổ mũi, cảm lạnh thì tôi rất lo lắng vì hiện nay việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã trở nên phổ biến. Đầu năm 2020, từ kiến thức của gia đình về các bài thuốc dân gian, tôi đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm “Siro húng chanh kha tử”. Siro này được tạo ra từ các loại thảo dược tự nhiên, đường phèn nâu và không chứa bất kỳ chất bảo quản hay phụ gia nào. Tôi giới thiệu đến người thân, bạn bè trên mạng xã hội và nhận được sự đón nhận tích cực. Từ đây, tôi bắt đầu phát triển sản phẩm ra thị trường”. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị Trâm đã đã khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân trồng dược liệu tại vườn nhà ở Đà Nẵng để thu mua xen canh và thu mua ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Đến nay, cơ sở mang tên “SuNaMom” của chị Trâm chuyên sản xuất và phân phối các dòng sản phẩm thảo mộc có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp trị ho và tăng đề kháng như Siro húng chanh kha tử, Chanh đào ngâm mật ong rừng... Trung bình một tháng, cơ sở của chị cho ra thị trường 500-700 lọ Siro húng chanh kha tử với giá bán 100.000 đồng/lọ dung tích 200ml.

“Dự án của tôi thu mua các loại thảo dược nên chị em phụ nữ trên địa bàn đã tích cực cải tạo vườn hoang, vườn tạp để trồng cây dược liệu. Đồng thời chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện, cơ sở đang tạo việc làm cho 6 lao động nữ là người tại địa phương với mức thu nhập ổn định 5,5 triệu đồng/người/tháng. Siro húng chanh kha tử không chỉ là một sản phẩm, mà còn là một ước mơ lớn của tôi. Đây là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức dân gian và công nghệ hiện đại để mang lại lợi ích cho sức khỏe, bảo vệ môi trường. Thời gian đến, kế hoạch kinh doanh của cơ sở là ưu tiên thành lập hợp tác xã và đầu tư thêm máy móc thiết bị đủ tiêu chuẩn, mở rộng xưởng sản xuất cũng như vùng trồng nguyên liệu”, chị Trâm nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Huyền, thời gian qua, các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã có những dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, có tính khả thi cao và ứng dụng khoa học công nghệ vào việc thay đổi phương thức sản xuất. Trong đó, các dự án đã sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường... Từ đây, đã góp phần gắn với phát triển xanh và bền vững, cũng như mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng tại địa phương. Thời gian đến, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp thực hiện hóa các dự án, ý tưởng khởi sự kinh doanh; chú trọng phát hiện thêm những nhân tố mới, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công. Qua đó, giúp triển khai thực hiện hiệu quả các đề án của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và đề án của thành phố về “Xây dựng mạng lưới Kết nối nữ doanh nhân, nữ tiểu thương và phụ nữ khởi nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2022 - 2026”.

TRẦN TRÚC

;
;
.
.
.
.
.