Liên kết trong phát triển du lịch là một trong những cách làm để mở rộng không gian và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương. Ngành du lịch Đà Nẵng và các địa phương lân cận thường xuyên có các hoạt động liên kết, hợp tác để quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ký kết biên bản hợp tác với đại diện ngành du lịch 6 tỉnh Việt Bắc tại hội nghị giới thiệu, quảng bá chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” tại Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Không chỉ quan tâm các thị trường quốc tế trọng điểm, ngành du lịch thành phố còn chú trọng quảng bá du lịch đến các địa phương trong cả nước như liên kết Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam hình thành nên một thương hiệu chung “Ba địa phương, một điểm đến” với các sản phẩm du lịch nổi bật, đó là con đường di sản miền Trung, nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái và cộng đồng...; liên kết vùng 5 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam - Thừa Thiên Huế - Quảng Bình - Quảng Trị với chủ đề “Miền di sản diệu kỳ”; liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định - Quảng Ngãi - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); mở rộng tăng cường hợp tác với các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Cần Thơ...
Theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, việc mở rộng liên kết giữa các địa phương trong vùng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch thuận lợi hơn trong xây dựng sản phẩm, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm hiện có. Bên cạnh việc hợp tác với các địa phương khác thì Đà Nẵng cũng là điểm đến được nhiều địa phương lựa chọn để quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ đầu năm đến nay các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Ninh Thuận… đã tổ chức các hoạt động giới thiệu du lịch của địa phương tới các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng nhằm kết nối sản phẩm, thu hút khách. Tại các chương trình quảng bá các địa phương chủ yếu giới thiệu tới các đối tác về điểm tham quan về lịch sử, văn hóa, sản phẩm du lịch mới, đặc sản địa phương… với mong muốn kết nối được tới các doanh nghiệp du lịch, hình thành nên sản phẩm du lịch, trao đổi khách qua lại.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hiện nay ngoài đường hàng không, hạ tầng giao thông đường bộ khá thuận lợi, nhất là đường sắt cũng được cải thiện, hình thành nên các chuyến tàu du lịch như tuyến Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”… thì việc liên kết giữa các địa phương trong vùng sẽ giúp mở rộng không gian du lịch, khai thác được thế mạnh của mỗi địa phương, làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Do đó, để tạo được sự đột phá về liên kết phát triển du lịch các địa phương cần phải xác định sản phẩm chung, sản phẩm liên tuyến để thu hút khách đến. Khi có sản phẩm chung rồi thì cần huy động các nguồn lực để xúc tiến, quảng bá các sản phẩm chung tạo ra thông qua các kênh thông tin như mạng xã hội, các hội chợ du lịch, các sự kiện lớn...
Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, cho rằng để liên kết hợp tác giữa các địa phương được thuận lợi thì doanh nghiệp các địa phương phải kết nối, hình thành được hệ sinh thái thuận lợi gồm sản phẩm du lịch, phương tiện đi lại, dịch vụ, phù hợp với thị hiếu của phân khúc khách hàng. Hằng năm ngành du lịch thành phố đều xây dựng kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách, trong đó có phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát, nghiên cứu, đưa ra dự báo về tình hình thị trường khách, từ có có kế hoạch cụ thể.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Huỳnh Thị Hương Lan cho rằng, để tăng cường hợp tác thu hút khách thì công tác truyền thông, quảng bá rất quan trọng. Các địa phương hợp tác liên kết có thể xây dựng website, fanpage chung để cung cấp thông tin cho du khách; hoặc có thể truyền thông điểm đến thông qua người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng (KOLs). Khi các kênh truyền thông của địa phương hoạt động tốt thì có thể hỗ trợ nhau trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin, sản phẩm du lịch của các địa phương liên kết, hợp tác để lan tỏa thông tin tới du khách.
Hiện nay, du lịch Đà Nẵng đang thực hiện truyền thông điểm đến trực tuyến trên nhiều kênh như Cổng thông tin du lịch Danang Fantasticity, Youtube, Instagram, trên nền tảng số hóa các đơn vị Klook, KKD, Traveloka, GDL, VTV cap; truyền hình, báo đài, KOLs, blogger du lịch; phối hợp công ty giải trí đón/tổ chức các chương trình giải trí phát trên các kênh truyền hình... Bên cạnh đó, ngành du lịch phối hợp với các địa phương tích cực tham gia quảng bá tại các hội chợ du lịch, phối hợp với Hội lữ hành tổ chức các đoàn famtrip Đà Nẵng kết nối giao lưu với các địa phương có ký kết hợp tác (Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Sơn La...).
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, việc liên kết hợp tác du lịch sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh khai thác nguồn khách nội địa đi và đến giữa các địa phương, tăng cường giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mỗi địa phương; các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở tuyến với các sản phẩm liên kết vùng, kết nối các địa phương để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch, mang lại nhiều trải nghiệm đa dạng cho người dân và du khách.
THU HÀ