PC Đà Nẵng: Tăng cường các giải pháp nâng cao an toàn hành lang lưới điện

.

Thời gian qua, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về nguy hiểm của việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện, vẫn còn tình trạng tự ý xây dựng, trồng cây cối xâm lấn vào hành lang lưới điện. Những yếu tố trên dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong quá trình thi công, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về an toàn điện, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện và gây mất mỹ quan đô thị.

Treo biển cảnh báo tại công trình.
Treo biển cảnh báo tại công trình.

Trước tình hình trên, PC Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ).

Cụ thể, mới đây, trong quá trình kiểm tra hiện trường, Điện lực Liên Chiểu – PC Đà Nẵng phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm HLATLĐ trước số nhà 393 Âu Cơ, thuộc xuất tuyến 475T2.HKH, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Tại hiện trường, nhóm thi công đã xây dựng vách lan can có cao độ từ đỉnh vách đến đường dây trung áp 22kV chỉ 1,5 mét, vi phạm nghiêm trọng khoảng cách an toàn quy định là 2m theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Nghị định 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014.

Ngay sau khi phát hiện, phía điện lực đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ ngay công trình xây dựng vi phạm và thông báo cho chủ nhà, chủ đơn vị thi công phải tuân thủ khoảng cách an toàn trong quá trình thi công tiếp theo.

Ngoài ra, còn một số hành vi vi phạm khác như lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, trồng cây xanh hay dựng cây nêu vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây điện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các sự cố lưới điện, làm gián đoạn việc cung cấp điện, hư hỏng các thiết bị điện, thậm chí một số trường hợp có khả năng gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc, có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về người.

Để tăng cường đảm bảo an toàn điện, PC Đà Nẵng thường xuyên gửi thông báo an toàn và hướng dẫn cho chủ đầu tư, đơn vị thi công nhận biết mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của việc thi công gần lưới điện trên tuyến đường dây trung áp 22kV cấp điện khu vực.

Bên cạnh đó, PC Đà Nẵng cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cùng các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền bảo vệ công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trong dân; tổ chức phát tờ rơi, treo các pano tại những nơi tập trung đông người, treo bảng cảnh báo an toàn tại các công trình xây dựng...

Đơn vị cũng tập trung cảnh báo các hành vi bị nghiêm cấm như: trồng cây vi phạm hành lang an toàn lưới điện; thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; trộm cắp, tháo gỡ trang thiết bị trên lưới điện hay sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác. Đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư, người dân khi thi công, cải tạo công trình xây dựng nằm trong hành lang lưới điện cao áp cần chủ động phối hợp với ngành Điện thực hiện các biện pháp an toàn, bảo đảm khoảng cách theo quy định.

Việc ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện là một nhiệm vụ lâu dài và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý và xử lý vi phạm. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, chúng ta mới có thể đảm bảo an toàn cho lưới điện, bảo vệ tài sản và sức khỏe cộng đồng.

Vy - Kiên

;
;
.
.
.
.
.