ĐNO - Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương với thành phố tại sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” diễn ra vào sáng 30-8.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo. Ảnh: M.Q |
Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, tiếp nhận và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn; uu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 do Chính phủ ban hành trong đó xác định: đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn, để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đột phá nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi như chip bán dẫn.... Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.
Việt Nam có một số lợi thế nổi bật để khẳng định sự sẵn sàng cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, như quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển. Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Ngày 8-8-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng, với vị trí địa lý chiến lược, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo hội tụ các yếu tố cốt lõi để phát triển trở thành trung tâm vi mạch mới của Việt Nam và khu vực. Chính phủ đánh giá cao các nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc nhanh chóng định hướng và có những hành động thiết thực, phù hợp để tập trung vào phát triển lĩnh vực này và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Ngày 26-6-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo.
Điều này thể hiện sự ủng hộ của Trung ương dành cho sự đầu tư phát triển lĩnh vực này tại thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội cho địa phương tập trung nguồn lực, tạo bứt phá mạnh mẽ và nhấn mạnh phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn là lựa chọn chiến lược của đất nước dành cho thành phố Đà Nẵng.
Trên cơ sở kiến nghị của chính quyền thành phố Đà Nẵng và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần có những giải pháp, cách tiếp cận kịp thời với độ mở lớn để có kịch bản phù hợp trong từng năm, từng giai đoạn; gắn kết vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để định hướng chip chuyên ngành; gắn kết vi mạch bán dẫn với đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, đột phá giá trị kinh tế số.
Các yếu tố là trọng số để khơi thông nguồn lực, củng cố vị thế và tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng. Qua đây, Bộ Thông tin và Truyền thông có một số kiến nghị đến thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, sớm nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để cụ thể hóa các nội dung quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 vào thực tế, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Sớm triển khai công nhận nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược và triển khai cho thuê không thông qua đấu giá tại Khu Công viên phần mềm số 2, báo cáo Trung ương kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, hướng tới đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn đến năm 2030.
MAI QUẾ - QUỐC CƯỜNG