Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư giao thông để đẩy nhanh tiến độ

.

Tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Quốc hội cho phép thành phố tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án giao thông có vốn đầu tư công thuộc nhóm B để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (thành phố Đà Nẵng) đang được  đẩy nhanh sau khi được tách riêng tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để thực hiện độc lập. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công tác giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (thành phố Đà Nẵng) đang được đẩy nhanh sau khi được tách riêng tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để thực hiện độc lập. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hiện trên địa bàn thành phố, dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (thành phố Đà Nẵng) đã được tách riêng tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để thực hiện độc lập. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, sở đã trực tiếp tham gia, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang trong công tác giải phóng mặt bằng dự án này và nhận thấy, chưa có dự án nào được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng như dự án này. Với thời gian thực hiện khẩn trương, trên toàn tuyến có chiều dài gần 11,5km, hiện có hơn 10km đã được người dân bàn giao mặt bằng, bảo đảm mặt bằng cho đơn vị thi công đến hết năm 2024.

Thời gian qua, tại nhiều dự án giao thông có quy mô vốn đầu tư công thuộc nhóm B trên địa bàn thành phố, việc giải phóng mặt bằng được triển khai từ bước thực hiện dự án, sau khi đã hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án (lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư), đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế trong triển khai đầu tư và giải phóng mặt bằng. Một số dự án được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 bị vướng giải phóng mặt bằng như tuyến đường Trục I - Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông Ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu, đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối đường Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1A đến đường sắt), đường ĐT 601, đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía tây 2, đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Khu tái định cư Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái)...

Dự án tuyến đường vành đai phía tây 2 đoạn từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường nối nam hầm Hải Vân - Túy Loan. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Dự án tuyến đường vành đai phía tây 2 đoạn từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường nối nam hầm Hải Vân - Túy Loan. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Việc chậm giải phóng mặt bằng đã làm tăng chi phí bồi thường do cơ quan được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương chưa có cơ sở tính toán, áp dụng khung giá đền bù. Các dự án có yêu cầu xây dựng khu tái định cư cho người dân được triển khai thực hiện như một dự án thông thường và việc di dời người dân chỉ có thể được thực hiện khi đã hoàn thiện khu tái định cư, cũng là yếu tố gây kéo dài thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Vấn đề này tạo ra “vòng lặp” trong quá trình thực hiện khi dự án vừa được phê duyệt, phải điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần; công tác giải phóng mặt bằng chậm làm tăng chi phí, đội vốn, nên phải điều chỉnh dự án, lại gây chậm giải phóng mặt bằng...

Ông Võ Nguyên Chương cũng cho rằng, nhiều dự án bị kéo dài thời gian triển khai và quay lại “vòng lặp” là dự án chậm triển khai thì tăng chi phí đầu tư, dẫn đến đội vốn và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng... “Trong giai đoạn 2021-2025, các dự án giao thông có quy mô vốn đầu tư thuộc nhóm B trên địa bàn thành phố có tổng mức đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng. Việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công dù chưa thể giải quyết hết các khó khăn, vướng mắc, nhưng sẽ giải quyết căn bản các vấn đề bất cập đã được nhận diện trong thực tế của công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Theo đó, việc triển khai giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, không còn chờ có quyết định đầu tư. Điều này tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, tăng khả năng giải ngân vốn đầu tư công, giảm áp lực về mặt thời gian giải phóng mặt bằng... Nhờ vậy, Đà Nẵng sẽ có lợi thế cạnh tranh về mặt thời gian triển khai dự án”, ông Võ Nguyên Chương nhấn mạnh. 

HĐND thành phố quyết định tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Theo khoản 1, Điều 9 thuộc Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội, HĐND thành phố có quyền quyết định việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Sau đó, Chủ tịch UBND thành phố quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện dự án tổng thể. Tiếp đó, cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để thực hiện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo, quyết định thu hồi đất. HĐND thành phố ban hành danh mục các dự án đầu tư công thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.