Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong công tác chống khai thác IUU

.

ĐNO - Sáng 9-8, UBND thành phố tổ chức hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa 11 tỉnh/thành phố trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình đồng chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, Đà Nẵng được xác định là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Hoàng Sa. Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền thành phố tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực.

Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận trên 15.000 lượt tàu thuyền/năm về bốc dỡ hải sản, trong đó, 75-80% là tàu cá ngoại tỉnh với sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng đạt gần 45.000 tấn/năm. Với số lượng lớn tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu, bốc dỡ thủy sản và xuất, nhập bến đòi hỏi công tác phối hợp giữa các địa phương để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là rất cần thiết.

Thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, các địa phương đã triển khai quyết liệt, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU và đạt được một số kết quả.

Trong đó, tạo sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và đồng thuận của toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định về chống khai thác IUU.

Công tác quản lý tàu cá chuyển biến rõ rệt, số lượng tàu của từng địa phương, số liệu tàu cá đã đăng ký được cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá; rà soát, theo dõi và quản lý hiện trạng hoạt động của các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản; trên 98% tàu cá (11.990/12.209 tàu cá) lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS; theo dõi, giám sát 24/24 giờ hoạt động tàu cá trên biển, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển.

Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được chú trọng và kiểm soát theo chuỗi; cập nhật đầy đủ thông tin vào cở sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nhằm tạo dữ liệu tổng hợp phục vụ cho công tác thực thi pháp luật.

 Phó Cục Trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG
Phó Cục Trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN HOÀNG

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục Trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh, công tác chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) là nhiệm vụ cần sự chung tay, phối hợp của Bộ, ngành, đơn vị, các địa phương và ngư dân cả nước. Trong công tác kiểm soát, các cảng cá có trách nhiệm truy cập hệ thống VMS để xác nhận, kiểm soát nguồn gốc, tình trạng cập, rời cảng của tàu.

Các địa phương cần có kiến nghị quy chế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp xử lý các tàu vi phạm giữa vùng lộng và vùng khơi; đánh giá toàn bộ tỷ lệ mất kết nối VMS của các nhà cung cấp để có cơ sở xác minh, xử lý; khẩn trương rà soát, kiểm tra giấy phép đăng ký, đăng kiểm của các tàu cá theo quy định, kịp thời thông báo các chủ tàu nhanh chóng đăng ký giấy phép mới…

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc (đầu tiên, bên trái sang), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường (thứ 2, bên trái sang) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình đồng chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường (thứ 2, bên trái sang) cùng lãnh đạo Cục Kiểm ngư, UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Hoàng

Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua rà soát, tổng số tàu cá của 11 tỉnh/thành phố là 35.244 tàu, trong đó, Bình Định có 6.080 tàu, Quảng Ngãi có 5.287 tàu, Hà Tĩnh có 4.190 tàu, Đà Nẵng là 1.387 tàu; 10.683 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản liên quan đến việc chưa đăng ký, cấp giấy phép hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, chưa đăng kiểm và hết hạn đăng kiểm.

Tính đến nay, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên của 11 địa phương được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 11.990/12.209 tàu cá (đạt tỷ lệ 98%); 219 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.

Công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Từ tháng 10-2023 đến tháng 7-2024, có 56.314 tàu cập cảng với sản lượng thủy sản bốc dỡ là 190.830 tấn; có 639 tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Tại Đà Nẵng có 1.387 tàu cá, trong đó 1.073 tàu đã đăng ký và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; 579/589 tàu cá có chiều lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; 437 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản và các địa phương đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện hồ sơ để được cấp các loại giấy tờ theo quy định.

Công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc được bảo đảm. Từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản là 6.041 lượt tàu với tổng sản lượng thủy sản là 23.931 tấn. Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã hướng dẫn ngư dân và làm thủ tục cho 1.167 lượt tàu cá trên hệ thống “CDT VN”. 

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
.