Trước thực trạng một số tuyến đường trên địa bàn thành phố có nhiều khách du lịch, người dân đến sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, mua sắm... bị người bán hàng rong, nhân viên phục vụ làm phiền, chèo kéo mua hàng ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, văn minh thương mại, lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành quyết tâm xử lý không để tình trạng này tái diễn.
Hàng rong vẫn túc trực ở những nhà hàng đông khách du lịch. (Ảnh chụp trưa 4-9). Ảnh: TRẦN TRÚC |
Hàng rong, chèo kéo khách vẫn còn tái diễn
Qua ghi nhận thực tế tại nhiều tuyến đường và khu vực tập trung đông khách du lịch, thực trạng hàng rong túc trực mời gọi khách mua hàng vẫn xuất hiện. Qua ghi nhận vào buổi trưa 4-9, tại đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà), nơi có nhiều khách sạn, nhà hàng, dịch vụ được đông du khách trong và ngoài nước lưu trú, vẫn có gần chục người bán hàng rong đậu xe trước cửa các nhà hàng, quán ăn thậm chí ngay dưới lòng đường chèo kéo khách. Mỗi khi có xe chở khách du lịch tới nhà hàng hoặc dừng để khách di chuyển lên xe, những người này thường vây quanh để mời chào. Các xe bán hàng rong chủ yếu là đồ lưu niệm, dép, mũ, túi xách, đồ che nắng hoặc các xe trái cây như sầu riêng, măng cụt, xoài, dừa xiêm…
Tình trạng này cũng xuất hiện tương tự tại khu vực đường Trần Phú (quận Hải Châu) đoạn xung quanh chợ Hàn và trước nhà thờ ơ con Gà, thường xuyên có 2-4 xe bán hàng rong đậu dọc đường. Một số tuyến đường khác có nhiều điểm du lịch khách sạn, nhà hàng ăn uống như Nguyễn Văn Thoại và các tuyến đường của khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) cũng có nhiều người bán hàng rong, đẩy xe bán dừa xiêm, trái cây dạo chào mời khách mua hàng khiến bộ mặt đô thị khá lộn xộn.
Để tránh lực lượng chức năng xử lý, các xe hàng rong này thường di chuyển liên tục qua các tuyến đường hoặc đậu/đỗ dưới lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến việc di chuyển của người đi bộ. Cùng với hoạt động bán hàng rong, chèo kéo khách, hiện nay vẫn còn cảnh nhân viên một số nhà hàng, quán ăn, điểm kinh doanh đứng dưới lòng đường để mời gọi khách. Tại đây người bán vé số, móc khóa, bánh kẹo, các loại hoa quả sơ chế sẵn… mời chào, chèo kéo khách mua sản phẩm hoặc sử dụng loa kéo để hát, diễn ảo thuật mời khiến du khách cảm thấy khó chịu.
Cần xử lý dứt điểm không để ảnh hưởng đến môi trường du lịch
Tại cuộc họp ngày 14-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành liên quan đồng loạt ra quân, quyết liệt xử lý tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, sở đã có công văn tham mưu về việc bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố vào các dịp cao điểm; cũng như đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác chống đeo bám, chèo kéo khách các dịp lễ, sự kiện lớn. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn tái diễn việc bán hàng rong, chèo kéo khách tại các cơ sở ăn uống tập trung đông người ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… đặc biệt là những tuyến đường có nhiều khách sạn lớn gây phiền hà cho người dân, du khách.
Vì vậy, Sở Du lịch đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận tổ chức các đợt ra quân cao điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chức năng, lực lượng quy tắc đô thị phối hợp với UBND các phường, xã, tăng cường công tác tuyên truyền, bố trí và duy trì lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách tại các khu vực cấm, khu danh lam thắng cảnh, các tuyến đường kinh doanh ăn uống có đông khách du lịch… góp phần bảo đảm môi trường du lịch thành phố.
Là một trong những địa phương có đông khách du lịch tham quan, lưu trú, nhất là tại khu vực các tuyến đường ven biển, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết quận thường xuyên tuyên truyền trên các kênh thông tin của quận, các phường…; song các đối tượng buôn bán hàng rong này chủ yếu từ nơi khác đến, lực lượng trật tự của quận, phường chủ yếu đẩy đuổi. Mức xử phạt hành chính hiện nay rất thấp nên chưa đủ sức răn đe. Ở những điểm giáp ranh giữa hai quận, khi lực lượng chức năng đến thì người bán lại chạy sang bên địa bàn bên kia.
Đến nay, quận đã xử phạt 124 trường hợp bán hàng rong với số tiền 55,6 triệu đồng, nhắc nhở cảnh cáo 2 trường hợp người nước ngoài giả dạng khuyết tật, xin ăn biến tướng tại khu vực cầu Rồng. Thời gian đến, quận tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo, tăng cường đi tuần tra, kiểm tra, giám sát tại các điểm du lịch, khu vui chơi mua sắm, các tuyến đường nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, có đông khách du lịch để xử lý kịp thời các vi phạm trên.
Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình chia sẻ, để bảo đảm các hoạt động kinh doanh, văn minh thương mại, mới đây UBND phường Mỹ An đã mời 19 hộ kinh doanh trên các tuyến đường Phan Tứ, Châu Thị Vĩnh Tế, Mai Thúc Lân quán triệt, cam kết trong các hoạt động văn minh thương mại. Bên cạnh việc chấn chỉnh các hoạt động vi phạm, quận đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động tuyên truyền văn minh đối với các hộ kinh doanh để nâng cao ý thức trong hoạt động kinh doanh, thương mại.
HÀ KHUÊ - TRẦN TRÚC