Chính sách đặc thù về đất đai giúp Đà Nẵng phát triển bứt phá

.

Tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố được thu hồi đất để hình thành trung tâm logistics và được thực hiện trước công tác chuẩn bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm logistics, giao thông, khu đô thị, các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng... Những chính sách đặc thù về đất đai được kỳ vọng giúp thành phố Đà Nẵng phát triển bứt phá.

Thành phố được Quốc hội thống nhất cho thực hiện trước công tác chuẩn bị thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm logistics... Trong ảnh: Khu vực xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), nơi dự kiến được xem xét lựa chọn để xây dựng trung tâm logistics, khu sản xuất thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố được Quốc hội thống nhất cho thực hiện trước công tác chuẩn bị thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm logistics... TRONG ẢNH: Khu vực xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), nơi dự kiến được xem xét lựa chọn để xây dựng trung tâm logistics, khu sản xuất thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trung tâm logistics (logistics hub) là loại hình kết cấu hạ tầng đồng bộ, nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, dịch vụ logistics và phân phối hàng hóa. Đây không đơn thuần chỉ là kho, bãi để hàng hóa, hạ tầng cung ứng dịch vụ logistics..., mà tất cả những cơ sở vật chất, kiến trúc và kỹ thuật đóng vai trò là nền tảng, phục vụ cho các ngành dịch vụ logistics (kho hàng, bến bãi, tích hợp nhiều chức năng như đóng gói, phân loại, lưu trữ, kiểm dịch, vệ sinh, khử trùng, phân phối,...).

Theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng hướng đến trở thành trung tâm logistics của khu vực. Mặt khác, trung tâm logistics còn là một khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Do đó, cần thiết phải hình thành các trung tâm logistics tập trung, có chất lượng cao để phát triển các dịch vụ logistics chuyên sâu (theo mô mình 3PL, 4PL, 5PL) có giá trị gia tăng cao nhằm tận dụng tối đa lợi thế hàng hóa qua các đầu mối vận tải trên địa bàn thành phố. Trên thực tế, việc triển khai các dự án thành lập các trung tâm, khu hậu cần dịch vụ logistics đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi đất.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương, bất cập lớn nhất đối với việc hình thành các trung tâm logistics là trong danh mục dự án được Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (Điều 62) và Luật Đất đai năm 2024 (Điều 79) không có các dự án hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ như trung tâm logistics. Để tạo sự phát triển bứt phá cho Đà Nẵng và tương xứng với vai trò trung tâm logistics của khu vực, việc hình thành các trung tâm logistics là rất quan trọng. Vì vậy, tại Nghị quyết số 136/2024/QH15, Quốc hội đã thống nhất việc thu hồi đất để xây dựng các hạng mục, công trình nhằm hình thành trung tâm logistics được thực hiện theo quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai năm 2024. Việc thu hồi đất để thực hiện Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng theo Điều 79 của Luật Đất đai năm 2024. Trình tự, thủ tục chuẩn bị thu hồi đất để thực hiện Khu thương mại tự do Đà Nẵng được thực hiện theo Nghị quyết số 136/2024/QH15.

Cũng theo ông Võ Nguyên Chương, trong Nghị quyết số 136/2024/QH15, có một chính sách về đất đai được Quốc hội cho cơ chế ưu việt đối với các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác, là trong trường hợp vị trí đề xuất xây dựng các khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng chưa được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố hoặc có sự điều chỉnh về quy mô, địa điểm đã được phê duyệt, thì UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua và bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cập nhật vào kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp theo của thành phố, cấp huyện. Thành phố không phải chờ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền là cấp bộ, Chính phủ phê duyệt...

Bên cạnh đó, nhà đầu tư lựa chọn dự án được UBND thành phố cho thuê đất, có quyền và nghĩa vụ như nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Nhà đầu tư thuê lại đất có quyền và nghĩa vụ như người thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp.

“Những cơ chế, chính sách mới này đã tháo gỡ các vướng mắc cho các nhà đầu tư đang gặp phải. Nghị quyết số 136/2024/QH15 cũng có các chính sách về đất đai đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn với ưu đãi là được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc trong trường chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đây cũng là điểm mới, đột phá so với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành. Chủ đầu tư các dự án trong lĩnh vực AI, công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển gắn với đào tạo được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”, ông Chương nói.

Thực hiện trước công tác chuẩn bị thu hồi đất
Theo ông Võ Nguyên Chương, một điểm mới nữa của Nghị quyết số 136/2024/QH15 là trình tự, thủ tục chuẩn bị thu hồi đất được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, chuyển việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện trước bước chấp thuận chủ trương đầu tư để dành quỹ thời gian còn lại giải quyết các khâu khác, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. HĐND thành phố được trao quyền ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất, nhất là các dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Hòa Ninh (400ha), Khu công nghiệp Hòa Nhơn (237ha), Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (mở rộng, 740ha); các trung tâm logistics; Khu thương mại tự do Đà Nẵng; các dự án công viên, bảo tàng; các dự án giao thông, chủ yếu là các tuyến metro (hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm)...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.