Chủ động phương án bảo đảm an toàn vận tải thủy nội địa

.

Để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024, ngành giao thông vận tải đã xây dựng các phương án bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, trong đó có an toàn phương tiện vận tải thủy nội địa.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng, chống bão. Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng, chống bão. Ảnh: THÀNH LÂN

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bùi Hồng Trung cho biết, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản. Do đó ngay từ sớm, các phòng, ban, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận theo hướng phòng ngừa là chính cũng như sẵn sàng triển khai công tác ứng cứu, nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Sở GTVT yêu cầu các đơn vị trong ngành thường xuyên bảo dưỡng đường bộ, tín hiệu giao thông, đường thủy nội địa theo phân cấp; luôn kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn. Nếu phát hiện hư hỏng hoặc xuống cấp phải kịp thời có biện pháp xử lý; trong trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết trước mùa lụt, bão…

Theo đó, phương án phòng ngừa thiên tai đối với phương tiện vận tải thủy nội địa của sở cụ thể gồm: trước khi có thiên tai, bão, lũ thì thực hiện theo dõi thường xuyên và thông báo trước 12-36 giờ cho tất cả phương tiện thuộc diện quản lý di dời về vị trí neo đậu an toàn, sau khi thống nhất cùng các cơ quan chức năng về các vị trí trú ẩn nhằm thuận tiện cho việc hỗ trợ mọi mặt cũng như bảo vệ tài sản và con người. Thông báo cho tất cả chủ cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố có phương án ứng cứu tại chỗ để bảo đảm an toàn cho người và các điều kiện vật chất tại cảng, bến thủy nội địa. Thông báo cho các chủ phương tiện kiểm tra hệ thống động lực, hệ thống lái chính, lái phụ, bảo đảm hoạt động tốt; kiểm tra đóng các nắp ống thông hơi, thông gió; kiểm tra độ kín nước các khoang, cửa sổ mạn. Bên cạnh đó tuyên truyền các phương tiện chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị; dự phòng nguyên liệu để hoạt động trong tình huống khẩn cấp.

Về phía cơ quan quản lý, thông báo cho Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng kích cầu Nguyễn Văn Trỗi khi có yêu cầu thông thuyền (để di chuyển tàu vào khu trú ẩn). Cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm yêu cầu các chủ tàu phải xây dựng phương án chủ động phòng, chống cho phương tiện trên cơ sở phương án phòng, chống thiên tai của các cơ quan chức năng. Trong đó, đối với các tàu có mớn nước thấp, chiều cao thấp, khi có bão thực hiện di chuyển qua cầu Nguyễn Văn Trỗi về trú ẩn ở sông Cổ Cò.

Đối với các tàu mớn nước cao, chiều cao lớn phải có phương án di chuyển sớm, trường hợp không qua được cầu Nguyễn Văn Trỗi phải có biện pháp chủ động phòng chống, trú ẩn phù hợp; trường hợp cần thiết chủ phương tiện liên hệ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng di chuyển về khu trú ẩn khu vực Nhà máy đóng tàu X50, Cảng Sông Thu mới (khu vực neo đậu tại Vùng 3 Hải quân) để tránh trú, neo đậu an toàn. Đồng thời, thực hiện neo, chằng buột chắc chắn tại khu vực tránh trú bão, lũ và tăng cường chống va cho phương tiện.

Riêng đối với các phương tiện thủy ca nô cao tốc hoạt động các tuyến ven biển xây dựng phương án tránh trú hoặc cẩu lên bờ đưa về nơi an toàn bảo đảm cho phương tiện. Lập danh sách các phương tiện và thuyền trưởng, thuyền viên để gửi UBND các quận phối hợp quản lý.

Đặc biệt, khi có bão, lũ xảy ra túc trực 24/24 giờ tại văn phòng Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng, Ban chỉ huy Sở GTVT để cập nhật thông tin diễn biến của cơn bão và tham mưu trực tiếp cho trưởng ban để có ý kiến chỉ đạo hiệu quả nhất nhằm tránh đến mức thấp nhất cho người và tài sản do cơn bão gây ra. Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng thường xuyên liên lạc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Thủy đoàn II Cục Cảnh sát giao thông, Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, Thanh tra sở để nắm bắt vị trí trực chiến hoặc đang tác nghiệp tại vị trí nào để tham gia phối hợp ứng cứu khi có lệnh triển khai của cấp trên; lưu ý, chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đối với phương tiện chở hàng phải cố định hàng hóa, đồ vật trên phương tiện để không bị xô lệch, đổ hoặc dịch chuyển làm lệch trọng tâm của phương tiện khi hành trình, neo đậu; phải bảo đảm hệ thống lái chính, lái phụ luôn hoạt động tốt, sẵn sàng chuyển từ hệ thống này sang hệ thống kia một cách nhanh chóng dễ dàng; hệ thống neo (mũi, lái và dự phòng) phải bảo đảm sử dụng ngay được khi cần thiết.

Sở GTVT cũng yêu cầu kiểm tra độ kín nước của các hệ thống cửa, nắp hầm hàng; nếu hư hỏng phải sửa chữa ngay; các cửa, nắp hầm hàng không sử dụng phải đóng chặt; các bơm hút khô ở các khoang, hầm hàng và hệ thống đường ống luôn hoạt động tốt; các cửa sổ mạn boong, mạn khô, các cửa khoang hướng về mũi tàu phải luôn kín nước và đóng chặt. Khi xếp hàng phải theo dõi, kiểm tra cách sắp xếp bảo đảm ổn định của phương tiện; hàng chuyên chở trên boong phải chằng buộc đúng quy định; thường xuyên kiểm tra trang, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phòng đắm, phòng chìm.

Chuẩn bị sẵn sàng xuồng cứu sinh, phao áo, dây ném; sắp xếp cố định chặt các vật dụng trên tàu vào nơi quy định. Ngoài ra khi phát hiện dấu hiệu có bão, để tiến hành những công việc chuẩn bị lần cuối, thuyền trưởng cần ra lệnh chuẩn bị chống bão cho từng bộ phận; phổ biến tình hình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng thuyền viên.

Đối với phương tiện chạy không hàng phải bơm đầy nước vào các két nước dằn phương tiện ở dưới đáy đôi, ở mũi, lái phương tiện để tăng ổn định cho phương tiện; kiểm tra đầy đủ các loại dây neo trên phương tiện.

Khi có tin bão gần phải tiến hành công tác chuẩn bị gồm: kiểm tra hệ thống động lực, hệ thống lái chính, lái phụ bảo đảm ở trạng thái hoạt động tốt; kiểm tra việc đóng chặt nắp các hệ thống ống thông hơi, thông gió; kiểm tra kín nước các khoang, cửa sổ mạn, đóng chặt các cửa đó lại; bảo đảm việc thông thoát nước tốt cho các boong hở; chằng thêm dây an toàn ở boong và các lối đi, ở những chỗ không có lan can hoặc lan can không chắc chắn, bảo đảm việc đi lại cần thiết.

Thông báo lệnh cấm những người không có nhiệm vụ đến khu vực có sóng quật lên boong; khi tiến hành các công việc trên boong, ít nhất phải có hai người mặc áo phao cứu sinh và buộc dây an toàn. Đặc biệt, trong mùa bão, lũ các phương tiện phải chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu dự phòng để hoạt động. Tại các khu vực phương tiện đang hoạt động phải có phương án tránh bão, lũ khi có bão, lũ xảy ra...

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.