Đà Nẵng phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền

.

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 6-9-2024 về triển khai đề án “Phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền đóng góp vào GRDP thành phố đạt 2-3%.

Thành phố xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền là một trong những lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.  Trong ảnh: Du thuyền tại cảng Tiên Sa. Ảnh: P.V
Thành phố xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền là một trong những lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. TRONG ẢNH: Du thuyền tại cảng Tiên Sa. Ảnh: P.V

Nhiều tiềm năng khai thác

Có thể thấy, Đà Nẵng có ưu thế về điều kiện tự nhiên là địa hình phong phú, đa dạng với núi, sông, biển và bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà). Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là cảng biển Tiên Sa. Thành phố có thuận lợi về hệ thống sông và vịnh nước sâu với cảng biển Tiên Sa, có thềm lục địa với độ sâu 200m tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế tổng hợp biển và giao lưu với nước ngoài. Ngoài ra, bờ biển dài khoảng 74km với nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Nam Ô, Làng Vân... với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có giá trị lớn cho phát triển du lịch.

Vì vậy, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền được thành phố xác định là một trong những lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, điều này cũng được đề cập tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm cụ thể hóa yêu cầu đặt ra, ngày 8-5-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 952/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả nghiên cứu đề án “Phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, cùng với phát triển du lịch, du thuyền sẽ trở thành hướng đi mới trong phát triển du lịch biển và đường thủy nội địa ở Đà Nẵng.

Căn cứ Quyết định số 952/QĐ-UBND, Kế hoạch số 188/KH-UBND đặt mục tiêu cụ thể: đến năm 2030, công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền đóng góp vào GRDP thành phố đạt 2-3%, trong đó dịch vụ đóng góp 1,5-2,3% và công nghiệp đóng góp 0,5-0,7%; tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền đóng góp vào GRDP thành phố đạt 4-5%. Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những điểm đến ưu tiên trong hải trình du lịch quốc tế tại khu vực châu Á, hình thành động lực phát triển du thuyền trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động khai thác du thuyền đường thủy nội địa trên các tuyến sông Hàn, Cu Đê, Cổ Cò, vùng nước vịnh Đà Nẵng và khai thác ổn định các tuyến từ bờ ra đảo kết nối với Cù Lao Chàm, Lý Sơn.

Công nghiệp đóng mới du thuyền là một trong những ngành trọng tâm của công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại nhà máy đóng tàu Sông Thu của Công ty TNHH - Tổng Công ty Sông Thu. Ảnh: M.Q
Công nghiệp đóng mới du thuyền là một trong những ngành trọng tâm của công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại nhà máy đóng tàu Sông Thu của Công ty TNHH - Tổng Công ty Sông Thu. Ảnh: M.Q

8 giải pháp phát triển

Theo kế hoạch, thành phố tập trung vào 3 ngành: công nghiệp đóng mới du thuyền; công nghiệp hỗ trợ du thuyền; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền. Theo đó, đến năm 2030, các nhà máy đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố sẽ đóng được 20-30 du thuyền/năm. Công nghiệp hỗ trợ du thuyền sẽ phát triển tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp. Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền sẽ phát triển tại các bến du thuyền có đủ quỹ đất; vùng đất, vùng nước khu bến cảng biển Tiên Sa, trong đó tổ hợp cung ứng dịch vụ liên quan du thuyền dự kiến phát triển tại quận Cẩm Lệ. Thành phố cũng xác định 33 vị trí có thể phát triển bến du thuyền, trong đó phần lớn nằm ở quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn.

Để thực hiện kế hoạch hiệu quả, thành phố đặt ra 8 giải pháp: quản lý Nhà nước liên quan đến khai thác du thuyền; nguồn vốn, thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá; bảo đảm an ninh quốc phòng; bảo vệ môi trường; liên kết phát triển với các, tỉnh thành phố lân cận và các tỉnh, thành phố có phát triển về du thuyền; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, thành phố sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu hình thành, chuyển đổi, hoàn thiện dịch vụ để tham gia chuỗi giá trị logistics liên quan đến du thuyền; xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp tham gia vào chuỗi công nghiệp, dịch vụ du thuyền. Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, tăng xúc tiến đầu tư, xây dựng các chương trình liên kết du lịch. Song song đó, thành phố tăng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động du thuyền…

UBND thành phố giao Sở Công Thương và Sở Du lịch cùng chủ trì, trong đó Sở Công Thương là đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch số 188/KH-UBND. UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến phố đi bộ, phố chuyên doanh, chợ đêm ở các khu mua sắm, nghỉ dưỡng, đặc biệt là khu vực ven sông Hàn (Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo…). dọc theo bờ biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành và các khu vực bến du thuyền trên địa bàn.

MINH LÊ

;
;
.
.
.
.
.