Dự kiến các vị trí xây dựng, hình thành khu thương mại tự do Đà Nẵng

.

Sau thời gian nghiên cứu, các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất các vị trí xây dựng, hình thành khu thương mại tự do và được Sở Xây dựng báo cáo sơ bộ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra thực tế vào ngày 1-9-2024. 

Khu vực phía sau Cảng biển Liên Chiểu được dự kiến xây dựng khu logistics với diện tích khoảng 100ha để hình thành khu thương mại tự do. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu vực phía sau Cảng biển Liên Chiểu được dự kiến xây dựng khu logistics với diện tích khoảng 100ha để hình thành khu thương mại tự do. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Với quỹ đất hạn chế, thành phố sẽ xây dựng khu thương mại tự do phân tán với 9 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ.

Theo Sở Xây dựng, 9 vị trí này do các sở, ban, ngành và quận, huyện thống nhất đề xuất, gồm: vị trí 1 là khu vực sau cảng biển Liên Chiểu (phía đông cảng biển Liên Chiểu, phía tây Khu công nghiệp Liên Chiểu) thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) với diện tích khoảng 100ha với chức năng là khu logistics. Vị trí 2 là phần đất với diện tích khoảng 100ha dọc theo đường tránh Nam Hải Vân (phía đông Khu công nghiệp Liên Chiểu) đoạn từ sông Cu Đê đến phía bắc trạm trung chuyển Nam Hải Vân thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, dự kiến làm khu logistics. Vị trí 3 là phần diện tích khoảng 400ha ở phía bắc sông Cu Đê thuộc địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), được dự kiến làm khu sản xuất. Vị trí 4 có tổng diện tích 559ha được làm khu sản xuất bao gồm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 259ha và phần diện tích khoảng 300ha mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thuộc xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).

Vị trí thứ 5 tại khu vực chân núi Bà Nà thuộc xã Hòa Ninh với diện tích khoảng 90ha được dự kiến làm khu thương mại - dịch vụ. Vị trí 6 là khu vực hai bên đường Bà Nà - Suối Mơ, giáp hồ Trước Đông về phía đông bắc với diện tích khoảng 154ha thuộc xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), được dự kiến làm khu thương mại - dịch vụ. Vị trí 7 cũng ở hai bên đường Bà Nà - Suối Mơ, giáp hồ Trước Đông về phía tây nam với diện tích khoảng 53ha thuộc xã Hòa Nhơn, dự kiến làm khu thương mại - dịch vụ. Vị trí thứ 8 thuộc khu vực được quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Nhơn với diện tích khoảng 200ha, dự kiến làm khu logistics. Vị trí 9 ở khu vực phía tây nam sân bay Đà Nẵng (giáp đường Trường Chinh) với diện tích khoảng 80ha, dự kiến được làm khu logistics.

Như vậy, theo chức năng hoạt động, nhóm các vị trí dự kiến được xây dựng có thể hình thành các khu thương mại - dịch vụ (gồm 3 vị trí số 5, 6 và 7) với tổng diện tích khoảng 297ha; nhóm có thể hình thành các khu sản xuất (gồm 2 vị trí số 3 và 4) với tổng diện tích khoảng 700ha, chưa tính diện tích Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hiện trạng 259ha; nhóm có thể hình thành các khu logistics (gồm 4 vị trí số 1, 2, 8 và 9) với tổng diện tích khoảng 480ha.

Các vị trí nói trên đều ở cạnh các tuyến, đầu mối giao thông thuận tiện và có những điều kiện thuận lợi để có thể triển khai sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi kiểm tra thực tế vào ngày 1-9-2024. Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng đang nghiên cứu, đề xuất quy mô dự án Nâng cấp tuyến đường ADB5 đoạn từ đường Ngô Xuân Thu đến cầu Trường Định và kết nối các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Cũng theo Sở Xây dựng, các vị trí nói trên sẽ được nghiên cứu, đưa vào đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (trong dự thảo đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bên cạnh 9 vị trí nói trên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục xem xét, bổ sung, điều chỉnh các vị trí cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi khi triển khai, thực hiện. Ngoài ra, còn vị trí thứ 10 được dự kiến lấn biển dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng - đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp Khu đô thị quốc tế Đa Phước để làm khu thương mại tự do với tổng diện tích 420ha.

Vào ngày 27-8-2024, lãnh đạo thành phố đã tổ chức khảo sát thực tế vị trí lấn biển nói trên. Trên cơ sở kết quả buổi khảo sát, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và độ sâu mực nước biển tại bản đồ Quy hoạch chi tiết Cảng biển Đà Nẵng do Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cung cấp, bề mặt giới hạn cao độ chướng ngại vật hàng không được duyệt, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng đã khoanh vùng sơ bộ vị trí lấn biển, diện tích khoảng 420ha và dự kiến sơ bộ khối lượng vật liệu san nền tương ứng khoảng 41 triệu m3 để san lấp từ cao trình (cote) đáy biển là trung bình sâu 5m (so với mực nước biển) đến mặt đường Nguyễn Tất Thành với cao trình trung bình khoảng 3,5m so với mực nước biển.

Sở Xây dựng cho rằng, thông tin liên quan đến vị trí lấn biển nói trên phục vụ lãnh đạo thành phố xem xét, cho chủ trương nghiên cứu các vấn đề liên quan. Việc xác định phạm vi, ranh giới cụ thể đang được các cơ quan có chuyên môn thực hiện dựa trên kết quả khảo sát địa hình, thủy văn, hiện trạng khu vực; nghiên cứu tổng thể các nội dung về điều kiện tự nhiên, xã hội; đánh giá tác động của việc san lấp đến dòng chảy và địa chất vùng bờ biển hiện trạng; phương án kết nối hạ tầng giao thông và yêu cầu về chức năng, tính chất các hạng mục dự kiến thực hiện; phương án tổ chức, vận hành... để đề xuất cụ thể ở giai đoạn sau.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.