Thị trường hàng hóa, dịch vụ sôi động đầu năm học mới

.

Thời điểm này học sinh phổ thông, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn thành phố  bước vào năm học mới, theo đó hoạt động mua bán tại các chợ, cửa hàng gia dụng cũng như dịch vụ hàng ăn uống khá sôi động.

Hàng quán bán đồ gia dụng sôi động dịp đầu năm học mới. TRONG ẢNH: Không khí mua sắm đồ gia dụng ở chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: MAI LY
Hàng quán bán đồ gia dụng sôi động dịp đầu năm học mới. TRONG ẢNH: Không khí mua sắm đồ gia dụng ở chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: MAI LY

Ghi nhận tại khu vực có đông các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề của thành phố, nhu cầu mua sắm đồ gia dụng phục vụ nhu cầu của sinh viên tăng mạnh. Tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), nhiều sinh viên đi sắm sửa các thiết bị, mặt hàng sinh hoạt thiết yếu như quạt máy, nệm, gối, dụng cụ nhà bếp, nồi cơm, bát, đũa, cây lau nhà, chổi, bình siêu tốc... Sinh viên Nguyễn Phương Linh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, cuối tuần qua em và hai bạn cùng phòng trọ đến chợ Hòa Khánh để mua sắm xoong nồi, đồ dùng nhà bếp, gối, nệm... 

Ông Lê Văn Vinh Quang, chủ cửa hàng điện máy Quang Thông (đường Ngô Thì Nhậm, quận Liên Chiểu) cho hay, lượng khách đến cửa hàng đông hơn trong những ngày gần đây, chủ yếu là tân sinh viên của các trường đại học. Gần đó là cửa hàng Kim Ngân (đường Nguyễn Cảnh Chân) có rất nhiều sinh viên đến cửa hàng mua sắm đồ dùng sinh hoạt ở trọ nhà dân và các khu ký túc xá.

Đối với một số khu vực đông sinh viên không khí mua bán tại các chợ, quán ăn cũng bắt đầu nhộn nhịp. Sau nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, sức mua có tăng hơn so với tháng trước, tuy vậy, giá cả một số mặt hàng không biến động nhiều, một số mặt hàng gia vị, thực phẩm chỉ tăng nhẹ từ 2.000-5.000 đồng/kg. Tại khu vực có các Trường Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch, Cao đẳng Thương mại... hàng quán hoạt động sôi động trở lại sau thời gian sinh viên nghỉ hè.

Còn chị Trần Thị Kim Anh, chủ quán cơm bình dân trên đường An Thượng 16 cho hay, khi sinh viên nhập học, quán ăn đã tăng lượng nguyên liệu đầu vào so với những ngày trước đó. Số lượng suất cơm bán ra cũng tăng mạnh. Để thu hút khách, quán tăng thêm thức ăn cho mỗi suất cơm để bảo đảm khẩu phần cho sinh viên. Bùi Thị Thùy Linh, Trường Đại học Kinh tế cho biết, em vừa mới đến Đà Nẵng thuê trọ, chưa có dụng cụ làm bếp để nấu ăn nên Thùy Linh đến quán để ăn trưa. “Em thấy cơm tấm bình dân giá 25.000 đồng/phần là một mức giá khá ổn. Lượng thức ăn của suất cơm rất nhiều và có đầy đủ thịt, cá, rau, trứng rất bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng”, Thùy Linh chia sẻ.

Thị trường xe máy, xe điện: sức mua tăng
Tại một số đại lý ủy quyền, cửa hàng chuyên kinh doanh xe máy trên những tuyến đường như Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ..., những ngày gần đây lượng khách tăng khoảng 20-30% so với tháng 7. Tuy nhiên, giá các loại xe máy không tăng so với thời điểm trước. Chị Đinh Thị Thu Hiền, Cửa hàng trưởng đại lý ủy quyền Honda Quốc Tiến - Hà Giang Môtô (21 Lý Thái Tổ) thông tin, sinh viên chủ yếu mua các dòng xe máy phổ thông như dòng tay ga Vision, xe số Wave Alpha. 

Các dòng xe điện, xe máy 50cc cũng được nhiều phụ huynh chọn mua cho học sinh trung học phổ thông. Theo đó, xe đạp điện phổ thông có mức giá 8-15 triệu đồng/chiếc, xe máy điện được báo giá 17-30 triệu đồng/chiếc, xe máy 50cc (xe số) dao động từ 14-19 triệu đồng/chiếc, xe tay ga 50cc có giá khoảng 18-26 triệu đồng/chiếc. Trong đó, xe ga 50cc có nhiều mẫu mới và đủ màu sắc phù hợp với học sinh nữ.

MAI LY

;
;
.
.
.
.
.