Cảng Đà Nẵng khẳng định thương hiệu cảng biển có quy mô và hiện đại nhất miền Trung

.

Theo Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 30-9-2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ yêu cầu UBND thành phố, các bộ và cơ quan liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng nhiều công trình động lực, trọng điểm; trong đó có việc chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch - dịch vụ biển.

Nghị quyết số 43-NQ/TW cũng xác định, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, Cảng Đà Nẵng từng bước phát triển mạnh mẽ, vươn tầm trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại nhất miền Trung.

Đặc biệt, sau 10 năm cổ phần hóa, sản lượng hàng hóa, container, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng hàng hóa tăng trưởng bình quân đạt 8,2%, container đạt 13%, doanh thu đạt 11% và lợi nhuận đạt 16%. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm từ 2014 đến 2024, sản lượng tăng hơn 3 lần, container tăng 7 lần, doanh thu tăng hơn 3 lần và lợi nhuận tăng hơn 5 lần.

Hiện, cùng với giai đoạn 2 cảng Tiên Sa đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, Cảng Đà Nẵng có đến 1.700m cầu tàu, tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEUs, tàu khách đến 170.000 GT, cùng hệ thống phần mềm quản lý, phương tiện thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại, đồng bộ. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa có chấp thuận để cầu cảng số 1 bến Tiên Sa (cảng Đà Nẵng) được đón tàu có trọng tải tới gần 50.000 DWT từ quý 4-2024.

Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn cho biết, cảng đã định hướng và tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, số hóa tối đa tất cả các khâu trong quy trình tác nghiệp, đặc biệt chú trọng hàng container.

Nhằm khẳng định tầm vóc, vị thế là cảng biển hiện đại bậc nhất trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, 5 năm trở lại đây, Cảng Đà Nẵng tiên phong chuyển đổi số toàn diện, tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác, đẩy nhanh quá trình giao nhận, nâng cao năng suất, góp phần phát triển kinh tế biển mạnh mẽ để tiến đến là cửa ngõ giao thương quốc tế hàng đầu.

Cảng triển khai phần mềm cảng điện tử ePORT và là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử thông quan hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử. Phần mềm cảng điện tử ePORT ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng...

Hiện Cảng Đà Nẵng đã chuyển mình thành cảng biển lớn nhất miền Trung và là cửa ngõ thương mại không thể thiếu trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của quốc gia, khu vực và thế giới. Cảng Đà Nẵng phát triển dựa trên 3 trụ cột: cảng biển, logistics và du lịch/dịch vụ.

Với định hướng chiến lược này, Cảng Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm dịch vụ logistics Hòa Nhơn trên diện tích 20ha với hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cảng Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp toàn diện để trở thành “cảng xanh” hiện đại nhất khu vực miền Trung, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường cũng như hướng tới đáp ứng với các quy định quốc tế về cảng xanh trong lộ trình phát triển tương lai.

Trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng đã liên tục đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện thiết bị, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Việc đầu tư xây dựng dự án Bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa còn thể hiện cam kết của Cảng Đà Nẵng trong việc định hướng phát triển cảng theo hướng dịch vụ tàu container, tàu du lịch và tàu trọng tải lớn. Dự án đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận lớn từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, UBND thành phố, các đơn vị chức năng Trung ương và địa phương.

Dự án góp phần không nhỏ vào sự phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng để cảng Tiên Sa trở thành cảng container hiện đại trong khu vực.

9 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 10 triệu tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 79,2% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng hàng container đạt trên 560.000 Teus, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 80,2% so với kế hoạch.

PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.