Chủ động bảo đảm vệ sinh môi trường

.

Trước dự báo tình hình thiên tai năm 2024 có khả năng diễn biến phức tạp và cường độ lớn, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã triển khai các kế hoạch ứng phó.

Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang huy động phương tiện cơ giới và công nhân vớt, thu gom bèo, rác trên mặt kênh thoát nước  khu vực gần Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang huy động phương tiện cơ giới và công nhân vớt, thu gom bèo, rác trên mặt kênh thoát nước khu vực gần Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ 3 giờ 30 đến 5 giờ sáng 18-9-2024, khi nhiều gia đình còn trong giấc ngủ thì nhiều công nhân thu gom rác, quét đường của các xí nghiệp môi trường thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã bắt đầu một ngày làm việc mới. Khi trời sáng, mưa càng lúc càng nặng hạt, nhiều đoạn đường đã xuất hiện ngập nước cục bộ, các công nhân “đội” mưa vừa thu gom rác sinh hoạt gọn gàng vào thùng xe, vừa nhặt rác đang mắc kẹt và tháo dỡ các tấm ni-lông, ván... che lấp các cửa thu nước mưa trên mặt đường để khơi thông thoát nước.

Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê Nguyễn Việt Hùng cho hay, qua sự thống nhất phối hợp giữa xí nghiệp với các đơn vị, địa phương về công tác ứng phó với thiên tai và bảo đảm vệ sinh môi trường, bên cạnh nhiệm vụ chính, các công nhân của xí nghiệp còn tham gia vớt rác, khơi thông các cửa thu nước mưa trên mặt đường khi có mưa lớn để góp phần làm giảm ngập úng. Sau mưa lớn, xí nghiệp tiếp tục phối hợp thu gom rác phát sinh từ hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường kết hợp nạo vét, khơi thông thoát nước các khu dân cư; kịp thời thu gom cành, nhánh, lá cây vương vãi do các đơn vị cắt tỉa cây xanh dọn không hết để tránh tắc nghẽn các cửa thu nước.

Trong 1 tháng qua, cứ vào những ngày cuối tuần, Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang lại phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND các xã triển khai thu gom rác tại các điểm ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông các kênh, mương, cống thoát nước; đồng thời, tổng dọn vệ sinh, thu gom rác tại các điểm tồn đọng rác hoặc do người dân vứt bỏ bừa bãi để tránh bị tắc nghẽn hệ thống thoát nước do rác thải. Cùng với đó, xí nghiệp sắp xếp, gia cố các thùng rác để tránh bị gió mạnh hoặc lũ cuốn, làm hư hại hoặc thất thoát tài sản của công ty và nhà nước.

Gần đây, xí nghiệp còn huy động phương tiện cơ giới nạo vét, thu gom hết bèo tây trên tuyến kênh khu vực gần Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang để bảo đảm thoát lũ từ thượng lưu đường Quảng Xương qua quốc lộ 14B, ra cánh đồng Thạch Bồ và về sông Yên. Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang Nguyễn Đức Thành cho biết, xí nghiệp đã huy động 54 chuyến xe để chở hết 300m3 bèo, cỏ, rác được vớt lên từ tuyến kênh đến nơi xử lý đúng quy định.

Trước khi chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, xí nghiệp phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng UBND các xã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, khơi thông kênh, mương, cống thoát nước... Huyện đang phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai phương án bảo đảm vệ sinh môi trường kết hợp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng Hoàng Thị Ngọc Hiếu, công ty đã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai năm 2024, trong đó phân công chi tiết các nhiệm vụ cho từng đơn vị. Công ty đã xác định 45 biện pháp ứng phó, xử lý 18 tình huống tác động tương ứng với 4 cấp độ rủi ro thiên tai (từ thấp đến cao nhất) ở cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai. Chẳng hạn để hạn chế tình trạng rác thải bị gió bão mạnh thổi bay, vương vãi và ứng phó với tình huống này, các đơn vị trực thuộc công ty phải hoàn thành thu gom rác trước khi bão gây gió mạnh muộn nhất 6 giờ, không để tồn đọng rác; sau bão khoảng 3 giờ, tiến hành kiểm tra và triển khai thu gom rác vương vãi.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng rác thải bị tấp vào các cửa thu nước mưa trên mặt đường gây ngập úng, các đơn vị bố trí công nhân kiểm tra, thu gom rác tại cửa thu nước và xung quanh. Đối với tình huống cây cối bị ngã đổ ảnh hưởng đến công tác thu gom rác và việc lưu thông của xe thu gom, vận chuyển rác, các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ, thiết bị chặt cành, thân cây; thành lập các đội phản ứng nhanh nhằm giải tỏa cành cây để thông đường cho xe vận chuyển rác...

Riêng đối với rác thải phát sinh sau thiên tai lớn và tồn đọng trên đường phố, các đơn vị rà soát, bảo đảm huy động tối đa phương tiện vận chuyển và toàn bộ nhân lực để tổ chức tổng dọn, thu gom rác, khẩn trương vận chuyển khối lượng rác lớn này về các trạm trung chuyển và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn; có phương án thuê phương tiện cơ giới dự phòng; chăm lo đời sống, bảo đảm sức khỏe cho người lao động... để nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai lớn.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.