Chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng được kỳ vọng mang lại cho nhiều kết quả thiết thực, giúp doanh nghiệp vận hành sản xuất thông minh, hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh; góp phần thực hiện chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Ký kết hợp tác hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh giữa Sở Công Thương, Tập đoàn Samsung và Công ty TNHH In Trùng Khoa vào tháng 10-2024. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Năm 2024, Công ty TNHH In Trùng Khoa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) là một trong 3 doanh nghiệp được Sở Công Thương hỗ trợ thực hiện Chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng.
Theo bà Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH In Trùng Khoa, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2015 với xuất phát điểm từ một cửa hàng chuyên in ấn, photocopy. Hai năm sau, công ty cơ bản chấm dứt việc ghi chép bằng sổ sách, excel… thông qua các phần mềm, nền tảng quản lý tự động hóa. Nhờ vậy, công ty có thể dễ dàng xử lý khoảng 1.000 đơn hàng/ngày vào thời gian cao điểm.
Từ những dữ liệu thu thập trong phần mềm quản lý, lãnh đạo công ty linh hoạt trong việc đưa ra các quyết định phát triển doanh nghiệp. Hiện, công ty đã thành lập xưởng in bao bì tại Khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà).
Theo khảo sát và tư vấn của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Tập đoàn Samsung), mức độ nhà máy thông minh của doanh nghiệp đạt 1,1/5 điểm với điểm mạnh là khả năng lãnh đạo và chiến lược đạt 1,8/5 điểm; phát triển sản phẩm đạt 1,6/5 điểm. Công ty đặt mục tiêu cải thiện chỉ số cấp độ nhà máy thông minh từ 1,1 điểm lên 3/5 điểm và cần cải tiến, xây dựng môi trường quản lý quá trình, chất lượng và thiết bị theo thời gian thực.
“Chúng tôi xác định để phát triển thành công ty in bao bì bài bản, chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh và cung ứng sản phẩm cao cấp cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố, công ty cần phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy số hóa trong sản xuất. Với mục tiêu rõ ràng đó, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy đội ngũ nhân viên quyết liệt, kiên định và nỗ lực thực hiện dự án sản xuất thông minh thành công”, bà Thịnh chia sẻ.
Một doanh nghiệp khác được hỗ trợ tham gia dự án năm 2024 là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu và sản xuất sản phẩm nhựa trong ngành công nghiệp phụ trợ. Qua khảo sát mức độ nhà máy thông minh của công ty đang ở mức độ 1/5 điểm với điểm mạnh là khả năng lãnh đạo đạt 1,5/5 điểm và phát triển sản phẩm đạt 1,6/5 điểm.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi cho biết, phát triển nhà máy thông minh, xanh và bền vững là vấn đề quan trọng trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay. Chương trình triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng là bệ đỡ giúp cho doanh nghiệp tự tin phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trước đây, công ty từng triển khai chuyển đổi số doanh nghiệp nhưng chưa thành công do chưa phù hợp. Với dự án lần này được sự hỗ trợ từ phía Tập đoàn Samsung và Sở Công Thương, công ty tự tin hơn về quy trình phát triển. Về mặt thiết bị, công ty gần như thay đổi mới công nghệ hoàn toàn. Hiện tại, doanh nghiệp đang triển khai lắp đặt dự án năng lượng mặt trời để sẵn sàng cho việc phát triển nhà máy thông minh.
Được biết, năm 2024, chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh đã triển khai hỗ trợ tư vấn cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi, Công ty TNHH In Trùng Khoa và Công ty CP Cao su Đà Nẵng.
Năm 2024, Chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng hỗ trợ triển khai tư vấn cho 3 doanh nghiệp tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Kỹ sư làm việc tại Công ty Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Trước đó, vào năm 2023, chương trình đã hỗ trợ tư vấn, cải tiến cho 2 doanh nghiệp áp dụng nhà máy thông minh trên địa bàn thành phố là Công ty TNHH Bao bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh); Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services (Trung Nam EMS- Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Sau quá trình triển khai, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, nâng cao rõ rệt hiệu suất sản xuất và khả năng cạnh tranh, xây dựng lộ trình hướng tới “nhà máy thông minh”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Trừ, thành phố đã và đang triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế số, trong đó có việc thí điểm mô hình nhà máy thông minh. Đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết, đề án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng nhà máy thông minh là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; góp phần thực hiện chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, với tầm nhìn đến năm 2045.
“Để chương trình đạt được kết quả như mong đợi, các doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội, nỗ lực triển khai, tiếp thu tri thức và kỹ năng mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất một cách hiệu quả nhất. Sở Công Thương cam kết sẽ đồng hành với chương trình, góp phần tạo ra giá trị bền vững cho các doanh nghiệp và phần phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố”, ông Trừ cho biết thêm.
VĂN HOÀNG