Đưa nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch

.

Với mong muốn phát triển du lịch làng nghề, bổ sung thêm sản phẩm, trải nghiệm cho khách du lịch, những năm gần đây, làng nghề nước mắm Nam Ô ngày càng được chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, để làng nghề nước mắm Nam Ô thực sự trở thành điểm đến tham quan, du lịch thì cần có sự đầu tư hơn nữa cho sản phẩm này.

Xây dựng các sản phẩm gắn với văn hóa, ẩm thực địa phương để du khách có thể trải nghiệm. Trong ảnh: Du khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực nước mắm Nam Ô tại cơ sở sản xuất Hương làng cổ. Ảnh: THU HÀ
Xây dựng các sản phẩm gắn với văn hóa, ẩm thực địa phương để du khách có thể trải nghiệm. TRONG ẢNH: Du khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực nước mắm Nam Ô tại cơ sở sản xuất Hương làng cổ. Ảnh: THU HÀ

Theo những người làm du lịch, làng nghề nước mắm Nam Ô là một trong 7 di sản văn hóa phi vật thể của Đà Nẵng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là tài nguyên quý của mỗi vùng miền, nếu biết cách khai thác sẽ tạo sự hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với địa danh Nam Ô, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, mang giá trị lớn, rất thuận lợi để khai thác, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của thành phố.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho rằng cùng với việc sản xuất, giữ gìn và phát triển làng nghề, hội đã vận động hội viên của làng nghề xây dựng câu chuyện về nước mắm Nam Ô, nghiên cứu sáng tạo sản phẩm cà phê mắm, đón các đoàn khách du lịch đến thăm làng nghề, giới thiệu về làng nghề.

Thời gian qua, đã có hơn 5.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập mô hình sản xuất nước mắm tại làng nghề. Riêng cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ còn tổ chức hoạt động cho các Tiktoker (người sáng tạo nội dung trên nền tảng Tiktok) tham quan trải nghiệm cuộc sống làng nghề như đi chợ bình minh mua hải sản, nấu ăn tại nhà dân, tham quan các di tích làng nghề, thưởng thức các món đặc sản địa phương.

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên cho biết, để phát triển du lịch làng nghề, các ngành chức năng, địa phương đã quan tâm trùng tu và bảo tồn các di tích lịch sử như đình Nam Ô, lăng Ông, dinh Âm linh, xây dựng các bài thuyết minh tại các điểm di tích; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của di tích, địa phương. Với việc hình thành chương trình du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa địa phương, qua các hoạt động du lịch, du khách được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống của địa phương cũng như nâng cao đời sống của bà con làng nghề.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, để phát triển làng nghề, thu hút khách, ngày 19-10-2022, UBND thành phố đã ban hành đề án Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái là sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh cho du lịch Đà Nẵng, đồng thời xác định “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống tại khu vực Nam Ô là sản phẩm chính của thành phố”.

Thời gian qua, UBND quận Liên Chiểu chủ động cùng với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành liên quan tích cực nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố các giải pháp phát triển du lịch khu vực Nam Ô, phát huy làng nghề nước mắm Nam Ô; đầu tư cơ sở hạ tầng bãi đỗ xe, nâng cấp, tu bổ các di tích tại khu vực để phục vụ du lịch; khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô; khai trương công viên cuối tuyến đường Nguyễn Tất Thành; xây dựng bài thuyết minh tìm hiểu, tham quan các di tích gắn với làng nghề nước mắm Nam Ô...

Sở Du lịch cũng hỗ trợ tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP địa phương; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân, đồng thời kết nối các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch du lịch học đường, hoạt động trải nghiệm gắn với làng nghề nước mắm Nam Ô. Đến nay đã hình thành các chương trình du lịch cộng đồng, du lịch giáo dục gắn với đời sống văn hóa địa phương, gắn với làng nghề nước mắm Nam Ô và các điểm di tích văn hóa - lịch sử địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Tán Văn Vương, thực tế hiện nay việc khai thác giá trị của các di tích văn hóa lịch sử làng nghề nước mắm Nam Ô còn hạn chế, chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Các đơn vị liên quan cần có giải pháp liên kết du lịch với làng nghề để làng nghề trở thành điểm đến thu hút khách bằng cách đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng bảo đảm các hộ tại làng nghề có không gian để đón các đoàn khách lớn, có các tour đưa khách về tham quan trải nghiệm; đầu tư về cảnh quan, các mô hình check-in đặc trưng, bãi đậu xe; nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nước mắm Nam Ô.

Các đơn vị liên quan phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn thành phố tư vấn người dân triển khai các sản phẩm, dịch vụ tại khu vực làng nghề nước mắm Nam Ô phù hợp với thị hiếu của du khách. Đồng thời, triển khai các sản phẩm du lịch giáo dục, du lịch ẩm thực kết hợp tìm hiểu trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa - lịch sử tại khu vực Nam Ô. Qua đó kết nối hình thành tuyến tham quan, trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô với giá trị văn hóa, lịch sử di tích Hải Vân Quan, hình thành cụm sản phẩm du lịch mới; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cấp các sự kiện văn hóa, lễ hội tại địa phương gắn với hoạt động của làng nghề nước mắm để thu hút du khách…

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.