Theo Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 22-10-2024 của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với tổng diện tích đất 28.573m2 tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu) là phần mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng (số 2 và 15 Quang Trung, phường Thạch Thang). Đây là cơ sở pháp lý để đưa cơ sở hạ tầng tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 sớm đi vào hoạt động.
Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với tổng diện tích đất 28.573m2 tại phường Thuận Phước (quận Hải châu). Ảnh: M.Q |
Mở rộng không gian phát triển công nghệ thông tin
Hiện Đà Nẵng có 3 khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đã được Chính phủ công nhận, cụ thể: Công viên phần mềm Đà Nẵng được công nhận năm 2017, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) được công nhận năm 2020 và Khu phức hợp Văn phòng FPT (FPT Complex, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được công nhận năm 2023. Riêng Công viên phần mềm Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng từ tháng 10-2008 với diện tích 10.885m2, tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng với mức độ lấp đầy là 99%. Trong khi đó, nhu cầu về hạ tầng CNTT của doanh nghiệp ngày càng lớn nên cấp thiết đặt ra cần có hạ tầng mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng.
Tháng 10-2020, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 được khởi công cơ bản hoàn chỉnh phần xây dựng hạ tầng vào năm 2022. Công trình gồm khối tòa nhà Văn phòng ICT 20 tầng; 2 khối Văn phòng kết hợp trụ sở 8 tầng gồm ICT1 và ICT2 cùng hệ thống sân bãi, đường giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng…với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình chưa đi vào hoạt động do Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là tài sản công do Nhà nước quản lý, trong khi đó Chính phủ chưa ban hành quy định về tài sản là kết cấu hạ tầng công thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sau nhiều lần thành phố làm việc và đề xuất với Chính phủ và các bộ, ban, ngành, ngày 1-2-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Theo đó, bổ sung Điều 9a về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.
HĐND thành phố được xem xét, quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Cơ quan quản lý Nhà nước là UBND thành phố. Như vậy, Nghị định số 09/2024/NĐ-CP đã xác định cơ chế cụ thể, rõ ràng về tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và quy định chi tiết về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Trên cơ sở Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29-6-2006, Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung và các văn bản pháp lý khác, ngày 22-10-2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg phê duyệt Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 là phần mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng với chức năng, nhiệm vụ và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8-11-2013 và các chính sách ưu đãi khác theo quy định pháp luật. Cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của tổ chức quản lý Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 do UBND thành phố quyết định.
Nhân viên công nghệ thông tin làm việc tại Công ty CP Jobkey. Ảnh: C.T |
Kỳ vọng sớm đi vào hoạt động
Trước thông tin trên, ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Công ty CP Avoca AI, mong muốn Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 sớm đi vào hoạt động để doanh nghiệp có thể tiếp cận theo hình thức không gian làm việc chung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong thành phố có thể hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận, cùng tạo nên một hệ sinh thái công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tương tự, ông Tạ Quốc Khánh, Giám đốc Công ty CP Jobkey, thường xuyên cập nhật các hoạt động liên quan tới Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để có thể tiếp cận, bên cạnh đó là tìm kiếm cơ hội hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp khác, thúc đẩy kinh doanh trong lĩnh vực tìm kiếm việc làm.
Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng, nhìn nhận việc mở rộng Công viên phần mềm Đà Nẵng bằng cách sớm đưa Công viên phầm mềm Đà Nẵng số 2 vào hoạt động là rất cần thiết. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đà Nẵng tương đối lớn, việc mở rộng Công viên phần mềm Đà Nẵng sẽ giúp tạo chỗ làm cố định cho nhóm doanh nghiệp này. Ông Sơn đề xuất thành phố cần tạo chính sách hỗ trợ, ưu đãi hấp dẫn, thuận lợi hơn để thu hút doanh nghiệp công nghệ tới đây.
Công viên phần mềm Đà Nẵng tại số 2 và 15 Quang Trung khi đi vào hoạt động đã hoàn thiện hạ tầng như: máy lạnh, điện đèn chiếu sáng, hệ thống mạng… nên khi doanh nghiệp gia nhập không cần phải đầu tư nhiều, chỉ cần đăng ký để thuê theo diện tích. Do đó, thành phố có thể xem xét cơ chế để linh hoạt trong áp giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư thêm cơ sở vật chất khi thiết lập văn phòng tại đây.
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, sở nhận được nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển không gian sáng tạo tại Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.
Với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg thì Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 đã được Chính phủ công nhận là kết cấu hạ tầng thông tin. Quyết định này cũng là cơ sở pháp lý để đưa cơ sở hạ tầng tại Công viên phần mềm số 2 đi vào hoạt trong thời gian tới, đồng thời giúp thành phố triển khai các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng về kết cấu hạ tầng thông tin.
MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG