Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch bền vững

.

Thích ứng với xu hướng chung, thời gian qua các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã nhanh chóng ứng dụng linh hoạt sự hỗ trợ của công nghệ vào các hoạt động mua sắm, phục vụ khách. Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ du lịch hiện đại đã mở ra nhiều cơ hội, giúp ngành du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển và gia tăng tiện ích.

Các ứng dụng công nghệ phục vụ du khách ngày càng được ngành khách sạn, dịch vụ lựa chọn để gia tăng trải nghiệm cho du khách.  Trong ảnh: Du khách trải nghiệm một thiết bị chăm sóc sức khỏe. Ảnh: THU HÀ
Các ứng dụng công nghệ phục vụ du khách ngày càng được ngành khách sạn, dịch vụ lựa chọn để gia tăng trải nghiệm cho du khách. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm một thiết bị chăm sóc sức khỏe. Ảnh: THU HÀ

Đưa vào hoạt động được hơn 8 tháng, nhà hàng chay Maha Vegetariano (đường Nguyễn Xuân Khoát, Sơn Trà) dần trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều khách quốc tế như Nhật Bản, Ấn Độ… Chị Ngọc Hà, chủ nhà hàng chay Maha Vegetariano cho biết, từng viên gạch, những hiện vật trang trí tại nhà hàng đều được lựa chọn từ các làng nghề truyền thống ở làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Bát Tràng (Hà Nội)…; các linh vật, phù điêu được trưng bày trong nhà hàng cũng được mô phỏng theo nét văn hóa Champa.

“Nhiều du khách quốc tế đến sử dụng dịch vụ muốn tìm hiểu về nguồn gốc của các bức phù điêu mô phỏng trưng bày tại nhà hàng nên chúng tôi đang kết nối với các chuyên gia của Bảo tàng Điêu khắc Chăm để có được các thông tin chính xác về nguồn gốc, lịch sử, văn hóa của các phù điêu sau đó đặt mã QR bằng các ngôn ngữ để khách có thể tự tìm hiểu thêm các thông tin về văn hóa Chăm. Bên cạnh đó, nhà hàng cũng có thực đơn bằng mã QR, thanh toán điện tử để mang lại những tiện ích cá nhân hóa trong trải nghiệm dịch vụ của du khách”, chị Ngọc Hà chia sẻ.

Trưởng ban Biên tập Tạp chí ẩm thực Epicure Việt Nam bà Tracie May Wagner cho rằng, hiện nay các nền tảng thanh toán trực tuyến (MoMo, ZaloPay và ApplePay) được sử dụng trên khắp Việt Nam, từ những người bán hàng rong nhỏ đến các chuỗi nhà hàng lớn, cho phép người dân và du khách thực hiện giao dịch nhanh chóng và an toàn. Thanh toán kỹ thuật số giúp giảm rủi ro liên quan đến việc xử lý tiền mặt và cải thiện độ chính xác, với các giao dịch được ghi lại tự động để theo dõi tài chính dễ dàng hơn. Ngoài việc liên tục cải tiến công nghệ, nhiều doanh nghiệp vận chuyển, dịch vụ đã đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động vận hành tại các sân bay, ga tàu, bến xe cũng như cung cấp các dịch vụ di chuyển an toàn, tin cậy và tiện lợi cho du khách.

Thực tế hiện nay, ứng dụng công nghệ đã giúp rất nhiều trong ngành du lịch dịch vụ. Ngành du lịch thành phố cũng tập trung nhiều vấn đề phát triển công nghệ để mang lại tiện ích cho du khách, người dân, hướng đến phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm.

Một trong những điểm nổi bật là tại sự kiện “Triển lãm và diễn đàn công nghệ đổi mới sáng tạo lĩnh vực khách sạn Horecfex Việt Nam 2024” được tổ chức mới đây tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, du khách đã tham quan, trải nghiệm các thiết bị và ứng dụng mới nhất trong ngành du lịch như: robot phục vụ, công nghệ chăm sóc sức khỏe, ứng dụng bán hàng. Khách tham dự triển lãm đã được thấy robot phục vụ trong khách sạn. Dựa trên những lập trình có sẵn, robot có thể mang đồ ăn, nước uống và dụng cụ tới các vị trí theo yêu cầu. Robot có cảm biến nên sẽ tự điều hướng hành trình, tự động tránh khi gặp vật cản…

Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, Đà Nẵng đang tiệm cận xu hướng chung về chuyển đổi số nhưng đã có những chuyển biến rõ rệt. Thành quả nổi bật nhất là từ chỗ phải tìm đến các đơn vị dịch vụ, thì nay du khách được tiếp cận dễ dàng hơn qua các kênh mạng xã hội, trợ lý ảo.

Chuyển đổi số hiện nay quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ công nghệ thì mới tồn tại được. Việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phục vụ nhà hàng, khách sạn, chiến lược kinh doanh đang được những người làm dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng hướng đến.

Trong tương lai, các khách sạn tại Đà Nẵng có thể ứng dụng một số thiết bị robot chuyên chở, nhân viên sẽ không phải bưng bê nặng nữa hoặc robot có thể hỗ trợ chăm sóc khách hàng, đón khách hay phục vụ khách… Tuy nhiên, dù có sự ứng dụng của công nghệ nhưng ngành khách sạn nói riêng, ngành du lịch nói chung vẫn cần sự tương tác giữa con người với con người và con người vẫn là yếu tố then chốt, dẫn dắt tương lai của công nghệ, sử dụng công nghệ đó.

Đồng quan điểm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch thành phố. Doanh nghiệp nào sẵn sàng chấp nhận công nghệ ngày càng cao, có sự đổi mới công nghệ chuyên sâu thì sẽ bứt phá nhanh, phát triển bền vững hơn; đa dạng hơn về dịch vụ; độc lập, tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh. Với sự cơ cấu nguồn khách, hướng tới nguồn khách bền vững hơn, chi tiêu cao hơn, khách hàng sẵn sàng trải nghiệm cái mới, có tính cá nhân hóa cao nên các doanh nghiệp phải cân nhắc đến việc thương mại hóa, số hóa để phát triển.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.