Đà Nẵng tập trung phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn

.

ĐNO - Ngày 7 và 8-11, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SemiExpo Việt Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”.

Tham dự chương trình, về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Về phía Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại chương trình. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á” trong khuôn khổ SemiExpo Việt Nam 2024, vào sáng 8-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, sự chuyển mình và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao của thành phố là kết quả của một quá trình lãnh đạo và chỉ đạo trong hơn 20 năm qua của thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023 với những tuyên bố chung mạnh mẽ về định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn. Từ tháng 10-2023 đến nay, thành phố triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi cụ thể với định hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Trọng tâm là liên kết hợp tác các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố.

Cụ thể: thành phố tổ chức các hội nghị, hội thảo về giải pháp phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng; tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Intel, Qualcomm...

Qua các cuộc khảo sát, làm việc, các đối tác đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của thành phố Đà Nẵng.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 600 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) và các trường đại học trên địa bàn thành phố.

So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.

Thành phố đang xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố Đà Nẵng; đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (trong đó có 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử).

Trước những cơ hội và mục tiêu đặt ra hiện nay, thành phố đã và đang triển khai 3 nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn như sau:

Thứ nhất, thành phố đang xây dựng các cơ sở chính trị, pháp lý tạo ra chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo bằng cách tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thành phố đang xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực; nghị quyết quy định các nội dung để xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn để hưởng các chính sách miễn thuế, ưu đãi thuế; chính sách đưa vào sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do nhà nước đầu tư để hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực và chuyển biến quan trọng để thu hút đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với thành phố trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai, thành phố chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án và hợp tác về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Cuối năm 2024, Khu công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự dự kiến đi vào hoạt động.

Đồng thời, thành phố chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cao của các nhà đầu tư vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thành phố cũng đang nghiên cứu, thảo luận hợp tác với các tập đoàn Viettel, Synopsys, Intel, Sovico để kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư, khai thác, vận hành các cơ sở hạ tầng phòng lab thí nghiệm, trung tâm tính toán hiệu năng cao, phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo gắn với yêu cầu thực tế.

Đây là nền tảng cơ bản cho công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với thực hành thực tế trên các mô hình mô phỏng và trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Cuối cùng là liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa với khoảng 5.700 sinh viên.

Hiện có 4 trường đại học trên địa bàn thành phố công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch với gần 320 chỉ tiêu/năm. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, các trường đại học trên địa bàn thành phố đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thiết kế vi mạch để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp.

Ngày 23-3-2024 vừa qua, thành phố triển khai thành công Lễ khởi động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và tổ chức đào tạo lớp giảng viên nguồn đào tạo vi mạch, bán dẫn gồm 25 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Chương trình này là kết quả của sự hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng, Công ty Synopsys, Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng).

Đến nay, thành phố đã triển khai 3 khóa chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch với 39 sinh viên và cũng kết hợp bồi dưỡng cho 43 giảng viên. Thành phố đã ký kết hợp tác đào tạo với Đại học Phenikaa.

Với sự hỗ trợ, tư vấn của Tập đoàn Synopys, trong năm 2025, thành phố sẽ tuyển chọn các giảng viên xuất sắc nhất để cử tham gia khóa bồi dưỡng giảng viên tại Học viện Sicada (đơn vị hợp tác của Synopsys tại Đài Loan).

Thành phố cũng đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm để triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, trên cơ sở làm việc với các doanh nghiệp bán dẫn quốc tế, thành phố đã xác định các trường đại học quốc tế có kinh nghiệm cung cấp nhân lực đạt chuẩn để kết nối với các trường đại học trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Được biết, diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Diễn đàn có sự tham gia của tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn ở trong và ngoài nước như: Onsemi, Cadence, Kulicke & Soffa, Synopsys, Tektronix, Emerson Electric, FPT, AmCham, MSIA… nhằm thảo luận về những xu hướng toàn cầu trong ngành thiết bị bán dẫn, những nỗ lực tham gia ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đặc biệt là trong chuỗi giá trị về sản xuất thiết bị bán dẫn.

Trước đó, ngày 7-11, trong phiên khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SemiExpo Việt Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng các đại biểu và đối tác quốc tế nhấn nút đánh dấu sự chung tay hợp tác để nâng tầm ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

SemiExpo Việt Nam 2024 là triển lãm bán dẫn quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, 500 doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

Trong khuôn khổ SemiExpo Việt Nam 2024 có 3 diễn đàn và 1 hội thảo nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
.