Đà Nẵng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và phát triển sản xuất xanh. Nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng hướng đến phát triển sản xuất xanh. TRONG ẢNH: Một công đoạn sản xuất ở “nhà máy thông minh” của Công ty TNHH Bao bì Tân Long. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố đang hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng bền vững bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải và tái chế. Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) là một trong những điểm sáng về sản xuất xanh ở Đà Nẵng. Doanh nghiệp này đã chủ động áp dụng nhiều công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Cũng như DRC Đà Nẵng, Công ty TNHH Bao bì Tân Long có trụ sở nhà máy tại Khu công nghiệp Hòa Khánh là đơn vị thường xuyên đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường… và trở thành 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên của thành phố xây dựng mô hình nhà máy thông minh. Để hướng đến mục tiêu “xanh hóa”, từ quý 1-2023, Công ty CP Dệt may 29-3 đã quyết định chấm dứt sản xuất mặt hàng khăn bông - sản phẩm từng gắn bó với hoạt động công ty suốt chiều dài 47 năm, mang thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao, có tỷ trọng doanh thu hơn 20%.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tái tạo đang là những giải pháp mà doanh nghiệp ngành công nghiệp thành phố lựa chọn hướng đến sản xuất kinh tế tuần hoàn. Hiện một số nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư vào hệ thống điện mặt trời. Những đơn vị này không chỉ góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng, giúp tăng tính cạnh tranh trong sản xuất.
“Sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tái tạo đang là những giải pháp doanh nghiệp lựa chọn hướng đến sản xuất kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, thành phố luôn khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng”, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho hay.
Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho rằng, ngoài việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện như thay thế tất cả các đèn huỳnh quang sợi đốt bằng đèn led tiết kiệm điện, công ty đã lắp đặt hệ thống quản lý năng lượng tự động, giúp giám sát và điều chỉnh mức tiêu thụ điện phù hợp với từng thời điểm. Điều này giúp tiết kiệm khoảng 10-15% chi phí điện năng mỗi tháng.
Tại hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho rằng, việc Đà Nẵng đề ra chiến lược chuyển đổi xanh là xu hướng rất đúng đắn. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động tại Đà Nẵng cần tiếp tục chuyển đổi xanh và áp dụng các biện pháp tiêu dùng phân phối bền vững, các giải pháp số hóa, logictics xanh.
“Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng”, ông Vũ khẳng định. Còn theo ông Juhern Kim, Trưởng đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam cho rằng, chính quyền thành phố Đà Nẵng và doanh nghiệp rất nỗ lực cho việc sản xuất xanh và giảm tiêu hao năng lượng, hướng đến mục tiêu Netzero - theo cam kết chung của Chính phủ Việt Nam. Để công tác này mang tính lâu dài, bền vững, thiết nghĩ làm sao để luật hiện hành có thể hỗ trợ tốt nhất quá trình này và huy động các bên tham gia.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, mong muốn Đà Nẵng không chỉ là kiểu mẫu về môi trường mà còn là kiểu mẫu về sử dụng năng lượng hiệu quả. Vì vậy, việc doanh nghiệp tham gia vào vấn đề này rất ý nghĩa và thiết thực với doanh nghiệp cũng như địa phương.
Các doanh nghiệp cũng nhất trí với quan điểm để phát triển xanh, việc đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại là giải pháp quan trọng hàng đầu. Chỉ có đầu tư công nghệ hiện đại mới nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Phương cho biết, những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng thì chủ trương phát triển kinh tế xanh gắn với xây dựng thành phố môi trường càng được chính quyền thành phố vào cuộc mạnh mẽ hơn. Việc hướng đến sản xuất sạch, kinh tế xanh không chỉ bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của thành phố.
T.HÙNG - P.HIỀN