Gắn kết đào tạo nhân lực cho ngành du lịch

.

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch thành phố. Đà Nẵng có nhiều trường cao đẳng, đại học hằng năm cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tế, các trường cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, tạo thêm nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Sinh viên Trường Du lịch (Đại học Duy Tân) trải nghiệm thực tế tại khách sạn Melia Vinpearl. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường Du lịch (Đại học Duy Tân) trải nghiệm thực tế tại khách sạn Melia Vinpearl. Ảnh: NGỌC HÀ

Cung ứng nhân lực cho ngành du lịch

Tính đến tháng 10-2024, thành phố có 32 cơ sở đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học đến sau đại học; 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho ngành du lịch. Trung bình hằng năm, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cung cấp cho thị trường du lịch hơn 300 người, là sinh viên thuộc các ngành quản trị kinh doanh du lịch, quản trị khách sạn và quản trị sự kiện. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp đạt đến trên 98%.

Tương tự, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng có quy mô đào tạo từ 1.000 -2.500 sinh viên và cung cấp cho thị trường lao động từ 300-900 sinh viên/năm ở các ngành quản trị khách sạn, quản trị khu resort, quản trị nhà hàng, quản trị lữ hành, quản trị du lịch MICE (du lịch kết hợp triển lãm, hội nghị, hội thảo), hướng dẫn du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, phiên dịch tiếng Anh du lịch, truyền thông đa phương tiện.

Trường Du Lịch (Đại học Duy Tân) cung cấp cho thị trường lao động hàng trăm sinh viên chất lượng cao, được đào tạo bài bản với hơn 12 ngành học đa dạng, từ quản trị du lịch và khách sạn, quản trị khách sạn quốc tế, quản trị du lịch và lữ hành đến các chuyên ngành đặc thù như hướng dẫn viên du lịch (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn), quản trị du lịch và dịch vụ hàng không, quản trị sự kiện và giải trí, smart tourism và quản lý và khởi sự doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, theo đánh giá của quản lý nhân sự cấp cao ngành du lịch, phần lớn sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại mới đáp ứng được công việc. So với các nước trong khu vực, nhân lực du lịch Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp...

Số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho thấy, dự báo đến năm 2025, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng hơn 800.000 lao động, năm 2030 là hơn 1 triệu người, trung bình cần bổ sung 60.000 lao động mỗi năm. Thành phố cũng xác định du lịch là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn theo định hướng đến năm 2030. Do đó, nguồn nhân lực du lịch phải được đào tạo bài bản, bảo đảm chất lượng mới đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác nhà trường và doanh nghiệp

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường tích cực thúc đẩy hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ quá trình thực hành, thực tế và nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Để nâng cao tính thực tế của chương trình đào tạo, nhà trường thường xuyên tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan trong đó có đơn vị tuyển dụng trong việc xây dựng, rà soát chương trình đào tạo bảo đảm gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường có 4 ngành đào tạo theo định hướng đặc thù (thương mại điện tử, hệ thống thông tin quản lý, quản trị du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn), trong đó tỷ lệ tham gia vào chương trình giảng dạy của doanh nghiệp chiếm từ 30-50%.

Ngoài việc liên kết với doanh nghiệp trong việc giảng dạy các học phần trong chương trình, nhà trường tăng cường phối hợp doanh nghiệp tổ chức các buổi định hướng nghề, huấn luyện kỹ năng sẵn sàng làm việc cho sinh viên, ký kết các thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, đặc biệt là các tập đoàn khách sạn, resort như Sungroup, Vingroup và các thương hiệu quản lý khách sạn: Marriott, Vinpearl... Trong khi đó, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng tăng cường ký kết, triển khai các biên bản thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch: Shilla Monogram, The Five Villas & Resort Quangnam Danang, khu nghỉ dưỡng New World Phú Quốc…

Thạc sĩ Nguyễn Duy Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nội dung ký kết ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu trong công tác tuyển sinh, phối hợp đào tạo kép, tạo việc làm bán thời gian trong thời gian học tập, làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp cho sinh viên.

Không dừng ở liên kết trong nước, nhiều trường đại học đã đẩy mạnh giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế, thực tập quốc tế nhằm tăng cường kỹ năng, ngoại ngữ cho sinh viên. TS Bùi Kim Luận, Phó hiệu trưởng Trường Du lịch (Đại học Duy Tân) cho hay, để tiếp tục thực hiện sứ mệnh nâng tầm chất lượng giáo dục và giúp sinh viên vươn xa trên thị trường lao động quốc tế, nhà trường triển khai chương trình đào tạo chuẩn PSU, được chuyển giao từ Đại học bang Pennsylvania - một trong những trường đại học hàng đầu thế giới về lĩnh vực du lịch.

Đặc biệt, thông qua chương trình P2A (Passage to ASEAN), sinh viên có thể tham gia các hoạt động trao đổi học thuật và văn hóa tại các nước ASEAN. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với các đối tác tại Hàn Quốc, Macau và nhiều quốc gia khác để triển khai các chương trình học trao đổi. Nhà trường đang triển khai các chương trình thực tập tại Hồng Kông (Trung Quốc) và hơn 50 khách sạn hàng đầu tại Thái Lan.

“Để có lực lượng nhân lực du lịch đạt chất lượng, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là rất cần thiết. Trong đó, các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế giúp sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn được rèn luyện các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài ra, sinh viên được học tập trong hệ thống cơ sở vật chất đẳng cấp quốc tế, bao gồm các phòng thực hành mô phỏng tiêu chuẩn 5 sao. Điều này mang lại cho sinh viên môi trường học tập lý tưởng, chuẩn bị sẵn sàng để bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh”, TS Bùi Kim Luận chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.