Khu thương mại tự do sẽ tạo cú hích để Đà Nẵng phát triển

.

Ngày 23-11, chủ trì tại hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp... về dự thảo đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết Đà Nẵng đang tập trung phối hợp các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai ngay nội dung cơ chế, chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Quang cảnh hội thảo tham vấn ý kiến đối với dự thảo đề án Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội thảo tham vấn ý kiến đối với dự thảo đề án Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo lãnh đạo thành phố, để hoàn thiện đề án Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2024, cần xác định rõ mô hình khu thương mại tự do với các phương án phát triển các khu chức năng, các ngành nghề, lĩnh vực trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng; cách quản lý, vận hành; giải pháp thu hút nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược; những giải pháp tổ chức, thực hiện hiệu quả đề án nhằm tạo tiền đề cho Đà Nẵng vươn lên trong thời gian tới. Đồng thời, có được một mô hình khu thương mại tự do để áp dụng và triển khai ở các địa phương khác trong cả nước.

“Đây cũng là kỳ vọng của rất nhiều địa phương trong nước và đang đặt ra trách nhiệm của Đà Nẵng với vai trò là địa phương khơi thông, mở đường, đi trước về phát triển khu thương mại tự do để cùng cả nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng, chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Phó Chủ tịch Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ, cùng với Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những định hướng và chính sách mới.

Trước đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW về đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận của thanh tra, kiểm tra, bản án trên địa bàn một số tỉnh, thành phố”, nhằm giúp Đà Nẵng tháo gỡ các khó khăn của các dự án, khu đất. Hiện nay, Quốc hội thảo luận và dự kiến sắp đến sẽ thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung.

“Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng vừa thông qua cho Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm mô hình về trung tâm tài chính. Với những chủ trương, định hướng như vậy, có thể tạo được một cú hích lớn cho sự phát triển của không chỉ Đà Nẵng, mà còn cả nước”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường kỳ vọng.

TS Nguyễn Đình Cung góp ý cho dự thảo đề án Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
TS Nguyễn Đình Cung góp ý cho dự thảo đề án Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nêu ra 8 điểm lưu ý đối với việc triển khai, vận hành Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đó là, thủ tục hải quan phải cực kỳ đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý tất cả các công việc và hiện đại hóa, thông minh toàn bộ; bên cạnh thuế xuất nhập khẩu, cần thêm ưu đãi về thuế và phí cùng các hỗ trợ khác, nhất là đối với nhà đầu tư chiến lược ở bên trong; hạ tầng dịch vụ phải là hiện đại, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và phải hiện đại hơn bất cứ khu nào ở bên ngoài thì mới có lợi thế được.

Tiếp đó, những nhà sản xuất, doanh nghiệp trong khu thương mại tự do được tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, chế tạo, lắp ráp... theo nhu cầu của thị trường; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn so với bên ngoài để thu hút doanh nghiệp rất mạnh vào khu thương mại tự do; phát triển được công nghiệp hỗ trợ, tái xuất và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trên tất cả các công đoạn với một hệ thống dịch vụ logistics hiện đại. Việc xây dựng khu thương mại tự do là phải tận dụng vị trí chiến lược của Đà Nẵng, một trung tâm logistics và giao thông khu vực, đặc biệt là phải xây dựng được cảng biển hiện đại; thúc đẩy mạnh các doanh nghiệp trong khu thương mại tự do đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp R&D và hỗ trợ nghiên cứu.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cách thức để thực hiện quy hoạch ngành và các quy hoạch nên cần phải bám sát vào quy hoạch, nhưng đừng nêu quá cụ thể mà nêu theo định hướng để linh hoạt và tạo khung cho nhà đầu tư lựa chọn vào đầu tư. Cần phải làm càng sớm càng tốt việc xây dựng hạ tầng cứng về đường bộ, cảng biển, đường sắt, cấp điện, cấp nước, viễn thông, môi trường... để thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhất là đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu và khẩn trương xây dựng các tuyến đường.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho hay, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15, trong vòng chưa đầy 2 tháng, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị tư vấn đã khẩn trương xây dựng dự thảo đề án Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng và nhận được các nội dung góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mô hình khu thương mại tự do phức hợp mà dự thảo đề án đề cập được tiệm cận theo mô hình thành công như Khu thương mại tự do Jebel Ali ở Dubai (UAE), Thượng Hải và Hải Nam (Trung Quốc)...

Các khu thương mại tự do này phức hợp nhiều chức năng như sản xuất, logistics và thương mại, dịch vụ. Đây là cách tiếp cận mới, khác với các khu thương mại tự do truyền thống. Ban soạn thảo đề án nghiên cứu, tiếp thu và phân tích kỹ lưỡng những góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư... để hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2024.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.