Những phương án đoạt giải trong cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc Cụm nút giao thông đường Lê Thanh Nghị - Cách Mạng Tháng Tám - Thăng Long và đường dẫn lên cầu Hòa Xuân (cầu Hòa Xuân), không chỉ giải quyết vấn đề về giao thông mà còn tạo được điểm nhấn kiến trúc, làm đẹp thêm cho cảnh quan đô thị Đà Nẵng tại khu vực này.
Cầu Hòa Xuân hiện trạng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Kết hợp đặc sắc văn hóa, con người xứ Quảng
Trên cơ sở 11 phương án quy hoạch, kiến trúc cầu Hòa Xuân của 7 đơn vị gửi dự thi, hội đồng thi tuyển đã tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng và chấm chọn. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng thi tuyển, UBND thành phố đã ban hành quyết định công nhận kết quả cuộc thi. Trong đó, phương án của Liên danh Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam, Công ty CP Tư vấn xây dựng T&D Việt Nam, Công ty TNHH Thiết kế kiến trúc NH Village và Công ty CP Đầu tư và phát triển Hòa Phong E&C đoạt giải Nhất và giải Cộng đồng (có nhiều phiếu đánh giá của khách tham quan và lượt bình chọn trên website của cuộc thi). Phương án này có điểm nhấn là cầu vòm thép bắc qua sông (cầu Hòa Xuân) với màu của vòm cầu được lấy cảm hứng từ những viên gạch tại di tích Chăm - Phong Lệ, kết hợp với chiếu sáng nghệ thuật tạo thành điểm nhấn mới trong khu vực.
Nút giao giữa đường Lê Thanh Nghị với Cách Mạng Tháng Tám được đề xuất là nút giao khác mức gồm một hầm dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám giúp cho tuyến giao thông có lưu lượng lớn này được lưu thông liên tục; đường dành cho tuyến xe điện công cộng LRT6 được bố trí ở giữa và trên cao với trụ đỡ ở giữa đường hầm.
Các tuyến giao thông lên xuống cầu Hòa Xuân sẽ được điều khiển bằng đèn tín hiệu giao thông. Nút giao giữa cầu Hòa Xuân với đường Thăng Long được thiết kế dạng bán hầm ở dưới cầu để bảo đảm tính liên tục cho đường ven sông và bổ sung các đường dân sinh. Khu vực nút giao giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Núi Thành được đề xuất làm vị trí trạm dừng xe điện công cộng LRT, diện tích đất còn lại sau khi mở hầm sẽ làm công viên nhỏ. Phương án này có khái toán tổng mức đầu tư hơn 1.937 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 1.445 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 137 tỷ đồng...
Phối cảnh tổng thể phương án quy hoạch, kiến trúc vừa được trao giải Nhất. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phương án của Công ty TNHH Đầu tư VTCO đoạt giải Nhì được nhóm tác giả thể hiện theo ý tưởng “Ngũ phụng tề phi” dựa trên câu chuyện có thật về 5 người con xứ Quảng cùng đỗ đại khoa trong khoa thi năm Mậu Tuất 1898. Nhóm tác giả thể hiện hình tượng 3 vị đỗ tiến sĩ trong khoa thi năm 1898 (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) bằng 3 vòm cầu trên cao tại nút giao khác mức đường Cách Mạng Tháng Tám - Lê Thanh Nghị, gồm: cầu phục vụ hướng lưu thông dọc đường Lê Thanh Nghị và một nhánh cầu rẽ trái từ đường Cách Mạng Tháng Tám lên cầu Hòa Xuân... 2 người đỗ phó bảng (Dương Hiển Tiến, Ngô Chuẩn) cùng đệ nhất “Ngũ hổ tướng” dưới thời nhà Nguyễn (vị “phúc tướng” Nguyễn Văn Trương, cũng là một người con xứ Quảng) được khắc họa bằng 3 vòm cầu thép bắc qua sông.
Cầu Hòa Xuân hiện trạng (xây dựng năm 2008) được giữ lại và cải tạo, nâng cấp đồng bộ với phần được xây mới bên cạnh. Hầm chui được thiết kế, xây dựng phục vụ cho phương tiện lưu thông thẳng tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám. Tổng mức đầu tư được khái toán khoảng 950 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng...
Phương án của Liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ, Công ty CP Kiến trúc và xây dựng An Thy được trao giải Ba được các tác giả thể hiện dựa trên ý tưởng về sự giao thoa giữa các yếu tố xưa và nay trong kiến trúc lẫn nhịp sống thường nhật của người dân bản địa. Nhóm tác giả đưa ra giải pháp làm hầm chui đôi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, khoảng cách giữa 2 hầm là khoảng chờ trụ kết cấu cho đường xe điện công cộng trên cao.
Cầu Hòa Xuân với điểm nhấn là vòm thép, được thiết kế có 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe thẳng tuyến lưu thông đường Lê Thanh Nghị với đường Nguyễn Phước Lan và vượt qua 2 đường Thăng Long cùng Cách Mạng Tháng Tám ở trên cao (cầu vượt); 4 làn xe dẫn luồng cho xe tiếp cận từ đường Cách Mạng Tháng Tám cũng như từ cầu đi 2 tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Thăng Long...
Lựa chọn ý tưởng tốt của tất cả phương án dự thi
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy cho rằng, việc triển khai dự án cầu Hòa Xuân và cụm nút giao thông hai đầu cầu sẽ giảm tải cho các tuyến đường và các cầu hiện có như cầu Hòa Xuân cũ, cầu Tiên Sơn và cầu Nguyễn Tri Phương. Đồng thời, tăng cường kết nối khu vực phía nam thành phố Đà Nẵng, gồm các phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và các khu đô thị mới, với trung tâm thành phố. Điều này không chỉ thuận lợi cho cư dân mà còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận giữa các khu vực trung tâm thành phố và ngoại thành, tăng cường tính liên kết vùng. Đặc biệt, đây không chỉ đóng vai trò là công trình giao thông, mà còn là biểu tượng kiến trúc, làm đẹp thêm cho cảnh quan đô thị của Đà Nẵng tại khu vực này.
Phối cảnh tổng thể phương án quy hoạch, kiến trúc đoạt giải Nhì. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, sau khi công bố và trao giải cho các nhóm tác giả có phương án đoạt giải, đơn vị đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các ý tưởng tốt, có tính khả thi cao trong các phương án dự thi.
Theo đó, không hẳn là các ý tưởng, đề xuất trong 3 phương án được trao giải cao nhất mà tổng hợp và chọn lọc các ý tưởng tốt nhất trong các phương án dự thi. Đồng thời, cũng nghiên cứu, phân tích, so sánh các phương án xây dựng mới hoàn toàn và phương án giữ lại cầu Hòa Xuân hiện trạng rồi cải tạo, nâng cấp kết hợp với phần mở rộng cầu cho đồng bộ, để hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng dự án cầu Hòa Xuân và cụm nút giao thông hai đầu cầu, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai trong thời gian tới.
HOÀNG HIỆP