Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản và các mặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.
Hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37 chú trọng cải tiến mẫu mã các sản phẩm để phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Sản xuất sạch, chất lượng cao
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như đáp ứng cho các đơn hàng, tháng 7-2024, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh (quận Thanh Khê) đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, nâng cấp trại nấm. HTX có hơn 38 thành viên chuyên sản xuất các loại nấm: bào ngư, mộc nhĩ, linh chi, đông cô, nấm hương, nấm rơm… trên diện tích hơn 4.000m2. Mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường hơn 40.000 bịch phôi nấm, trong đó mỗi ngày sản xuất hơn 150kg nấm các loại, giá bán dao động từ 30.000-70.000 đồng/bịch nấm tùy loại. Vào dịp gần Tết, mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng từ 350-400kg nấm.
Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi trồng nấm theo quy trình VietGAP nên sản phẩm sau khi thu hái sẽ trải qua bước kiểm định và phân loại nghiêm ngặt. Dự kiến, giá nấm của HTX sẽ tăng 10-20% theo giá thị trường vào thời điểm cuối năm. Nhu cầu sử dụng nấm của người dân rất nhiều, do đó chúng tôi sẽ tăng sản lượng khoảng 30% so với cùng kỳ để đáp ứng tối đa. Mặt khác, chúng tôi cũng đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục liên quan để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Mới thành lập vào đầu năm 2024 với 8 thành viên, HTX Nông sản sạch Thanh Khê đang nuôi 2.500 con gà và hơn 100 con heo; dự kiến vụ Tết này sẽ cho ra thị trường 2.000 con gà đóng gói với giá 160.000 đồng/kg và 60 con heo với giá 80.000 đồng/kg, trọng lượng từ 60-70kg.
Anh Trần Công Minh, chủ nhiệm HTX cho rằng lợi thế của HTX là nguồn thức ăn sạch, thức ăn tự nhiên và không sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo đó, HTX đã quy hoạch vùng trồng thức ăn với diện tích hơn 1ha, giúp chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ. Thời gian chăn nuôi từ 7-8 tháng thì heo mới xuất chuồng, khác biệt so với cách nuôi thông thường là từ 4-5 tháng; qua đó chất lượng thịt đạt chất lượng cao hơn. Nguồn tiêu thụ đã ổn định, do đó HTX đang mở rộng sản xuất, đồng thời nghiên cứu để sản xuất giống để tự chủ về nguồn cung cũng như hướng tới tiêu chuẩn VietGAP.
Trong khi đó, Hợp tác xã gà Nhơn Phát (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có 7 hộ thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết đang nuôi hơn 2.000 con gà thả đồi. Dự kiến, dịp Tết năm nay HTX sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 con gà thịt với giá 120.000 đồng/kg. Trước nhu cầu của người dân dự báo tăng cao, các hộ chăn nuôi đã tái đàn từ gần 2 tháng nay để trọng lượng và chất lượng thịt đạt độ “chín” tối đa.
“Hiện nay, bên cạnh khó khăn về dịch bệnh tiềm ẩn, khó khăn lớn nhất với người chăn nuôi là giá thức ăn tăng cao. Đơn cử, bình thường giai đoạn trước giá lúa chỉ 650.000 đồng/tạ, nhưng đến nay đã lên đến 900.000 đồng/tạ. Còn giá bắp lên đến hơn 1 triệu đồng/tạ, cao hơn khoảng 20% so với thời điểm khoảng 2 năm trước. Tuy nhiên vì hiện tại đầu ra của HTX được bảo đảm với việc cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện nên các hội viên vẫn duy trì và đang mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài ra, HTX cũng chú trọng bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại và chất lượng nguồn con giống”, bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Hợp tác xã gà Nhơn Phát cho hay.
Đẩy mạnh cung ứng cho thị trường
Bên cạnh các mặt hàng nông sản, những mặt hàng đặc sản chế biến, sản phẩm OCOP làm quà tặng, tiêu dùng trong dịp Tết cũng được các đơn vị đẩy mạnh sản xuất. Hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37 (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) sản xuất và kinh doanh hơn 30 dòng thực phẩm chế biến từ nông sản như trà ngũ cốc thảo mộc, granola, bột ngũ cốc mầm, xoài sấy dẻo, bánh dinh dưỡng làm từ các loại hạt…
Trong đó, bột ngũ cốc mầm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; bánh dinh dưỡng vị dừa đạt chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc HTX Nông sản sạch Đô 37, HTX dự kiến sẽ tăng khoảng 20% lượng hàng hóa nhằm phục vụ thị trường dịp cuối năm. Hiện tại, HTX đã nhận được các đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, đơn vị, đại lý trên địa bàn thành phố và một số địa phương.
Ngoài ra, HTX cũng cung ứng các giỏ quà Tết với giá cả dao động từ 250.000 đồng đến vài triệu đồng/giỏ; riêng giỏ quà có mức giá từ 300.000 - 400.000 đồng được nhiều doanh nghiệp đặt mua. “Chúng tôi tập trung vào thị phần khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi kết nối để đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng đặc sản, siêu thị, sân bay… Tháng 4-2024, HTX được Sở Công Thương đầu tư, hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất xoài sấy dẻo và sản phẩm đã được khách hàng đón nhận tích cực”, bà Oanh nói.
Còn với Tổ hợp tác Sản xuất kiệu hương Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn), các thành viên đang tích cực xuống giống và chăm sóc để bảo đảm củ kiệu sinh trưởng hiệu quả. Được biết, sản phẩm Kiệu hương dầm mắm Hòa Nhơn của tổ hợp tác đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Tổ hợp tác có 40 hộ dân tham gia sản xuất trên 3ha đất, các hộ dân chăm sóc cây kiệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, các sản phẩm của tổ đã có mã số vùng trồng, bảo đảm tính minh bạch về nguồn gốc.
Chị Nguyễn Thị Bông, Tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ: “Tôi đang làm theo hướng khép kín, thu mua sản phẩm từ các thành viên trong tổ hợp tác, chế biến thành phẩm để cung cấp cho thị trường. Mỗi vụ, gia đình tôi cũng trồng 0,5ha kiệu, dự kiến cho thu hoạch khoảng 2,5 tạ kiệu tươi. Các sản phẩm về kiệu chủ yếu được tiêu thụ nhiều vào dịp cuối năm, vì vậy vụ này là thu nhập chính của tổ viên. Việc chế biến thành phẩm giúp cho kiệu giữ được lâu hơn và phù hợp nhu cầu người sử dụng. Có năm tôi bán ra thị trường 1.000 hũ kiệu trong dịp Tết; ngoài kiệu tươi, tổ còn cung ứng ra thị trường đa dạng các sản phẩm như kiệu dầm mắm, kiệu chua ngọt, kiệu sấy, kiệu dầm chay”.
TRẦN TRÚC