"Bắt tay" doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quan trọng, nhất là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành mũi nhọn, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để có được điều này, cần sự đồng hành, hợp lực giữa trường đại học và doanh nghiệp, trong đó có việc tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị thực hành giúp sinh viên được trải nghiệm công nghệ tiên tiến, thu hẹp khoảng cách giữa giảng đường và môi trường làm việc thực tế.

Trường Đại học Bách khoa hợp tác Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải hỗ trợ robot hàn tự động để sinh viên thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ
Trường Đại học Bách khoa hợp tác Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải hỗ trợ robot hàn tự động để sinh viên thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hợp tác đại học và doanh nghiệp là xu thế tất yếu, trong bối cảnh hiện nay càng có ý nghĩa quan trọng khi các bên đều xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tiễn, sự tham gia của doanh nghiệp ngày nay không dừng lại ở việc tuyển dụng, tiếp nhận sinh viên thực tập hay trao học bổng khuyến khích, hỗ trợ sinh viên mà các đối tác còn đến trường tham gia trực tiếp quá trình đào tạo một cách hiệu quả.

Với mối quan hệ gắn bó lâu dài, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã phối hợp hai trường có thế mạnh trong các lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ là Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật để trao tặng các thiết bị động cơ ô-tô, robot hàn và các cơ cấu lái và hộp số tự động. Cụ thể, công ty trao 7 động cơ ô-tô, 2 robot hàn, 1 cơ cấu lái và 1 hộp số tự động, 2 động cơ mô hình và 5 động cơ để sinh viên có thể trải nghiệm và thực hành trực tiếp cho Trường Đại học Bách khoa.

Theo ông Bùi Trần Nhân Trí, Giám đốc Văn phòng THACO Chu Lai, việc hỗ trợ cho các trường với mong muốn sinh viên được tiếp cận, học tập và thực hành trên các thiết bị thực tế, tiên tiến ngay tại nhà trường, từ đó giúp sinh viên vững nghiệp, thích nghi nhanh với môi trường sản xuất hiện đại, ra trường đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, kết nối hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn lớn được nhà trường quan tâm đẩy mạnh nhiều năm qua, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ công tác giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên nhà trường.

Từ năm 2016, nhà trường có mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi Electric Việt Nam và đã tiếp nhận từ tập đoàn nhiều trang thiết bị cho phòng thí nghiệm Tự động hóa. Năm 2024, Trung tâm thí nghiệm Động cơ và Ô-tô AVL, Khoa Cơ khí giao thông của nhà trường tiếp tục nhận bàn giao thêm 1 ô-tô điện Mitsubishi Outlander và trụ sạc giúp sinh viên tiếp cận, thực hành trên chính dòng xe hybrid điện (sạc ngoài), phù hợp xu thế giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính như cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Đánh giá cao chất lượng đào tạo và truyền thống, học hiệu của Trường Đại học Bách khoa, Tổng Giám đốc Mitsubishi Việt Nam Ryujiro Kobashi mong muốn tiếp tục đồng hành nhà trường để tăng cường cơ sở vật chất và các trang thiết bị hỗ trợ thực hành hiệu quả, đồng bộ để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đối với các lĩnh vực, khối ngành kinh tế, bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số cũng đem lại nhiều cơ hội để nhà trường và doanh nghiệp hợp lực đào tạo chất lượng cao. Điển hình như Trường Đại học Kinh tế phối hợp Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đưa vào khai thác “Không gian sáng tạo số” (DUE Digital Hub). Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đưa vào sử dụng Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh từ dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc với các phần mềm thiết kế vi mạch (có bản quyền của Tập đoàn Synopsys)…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, 30 năm qua, Đại học Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng như cả nước. Sự hợp lực, đồng hành giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là động lực mới, là nguồn lực quan trọng gắn kết Đại học Đà Nẵng với các doanh nghiệp, địa phương, tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng và phát triển bền vững.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.