Gần 3 năm thực hiện Quyết định số 3836/QĐ-UBND của UBND thành phố về phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các đơn vị liên quan góp phần đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 3-6-2024. Ảnh: MAI QUẾ |
Ngày 3-6-2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) ban hành Quyết định số 437/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00138 cho sản phẩm nước mắm Nam Ô; UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Nước mắm Nam Ô được đóng chai trong khu vực địa lý: các khối phố Nam Ô 1, Nam Ô 2, Nam Ô 3, Xuân Thiều thuộc phường Hòa Hiệp Nam và Kim Liên thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).
Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên cho sản phẩm của thành phố và cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm nước mắm truyền thống. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố đến năm 2030 qua gần 3 năm thực hiện.
Theo đó, chương trình tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn lực về sở hữu trí tuệ cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các tài sản trí tuệ của thành phố; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhằm triển khai chương trình, Sở KH&CN tổ chức thực hiện 6 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí thực hiện là 4,4 tỷ đồng. Cụ thể, 3 nhiệm vụ cấp cơ sở gồm: xây dựng nhận diện thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể “Nấm rơm Hòa Thọ Tây” cho sản phẩm nấm rơm trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ); xây dựng nhận diện thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể “Mây tre An Khê” cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre của Hợp tác xã Mây tre An Khê trên địa bàn quận Thanh Khê; đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể “Nếp đắng Hòa Liên” cho sản phẩm gạo nếp đắng trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Hai nhiệm vụ cấp thành phố là xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” cho sản phẩm chả cá của quận Thanh Khê; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đã được xác lập quyền cho Bánh tráng Túy Loan (huyện Hòa Vang); một nhiệm vụ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng”.
Kết quả, 2/6 nhiệm vụ đã nghiệm thu, 4/6 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện đảm bảo đúng nội dung, tiến độ theo thuyết minh đề cương và hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030, Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho 20 doanh nghiệp và 18 chủ đơn, tác giả sáng chế với tổng số tiền là 975 triệu đồng; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho 39 nhãn hiệu cộng đồng theo các hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, công tác triển khai sở hữu trí tuệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội đáp ứng mục tiêu Quyết định số 3836/QĐ-UBND.
Các hoạt động sở hữu trí tuệ được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp như hỗ trợ phát triển, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân; công tác tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhờ đó, ý thức tự bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn có sự chuyển biến rõ rệt. Sở KH&CN đang đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho cán bộ địa phương.
MAI QUẾ