Hòa Vang là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển thành đô thị sinh thái hiện đại, song vẫn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử và phát huy truyền thống cội nguồn để tạo nên nét văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc.
Khung cảnh thôn quê ở thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong). Đây là thôn nằm trong đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” của huyện Hòa Vang. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Phát triển theo hướng đô thị sinh thái
Là vùng đất rất đa dạng về cảnh quan: đồng bằng rộng lớn, đồi núi trập trùng, những cánh rừng tự nhiên, hệ thống sông ngòi, kênh mương cùng với những cánh đồng lúa tạo nên những mảng xanh... Hệ thống cảnh quan tự nhiên cũng chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động xây dựng đô thị. Công trình kiến trúc có mật độ xây dựng thấp xen lẫn với yếu tố thiên nhiên; hệ thống làng mạc, di tích, đình chùa, miếu mạo phong phú đan xen với các khu ở mới…
“Hiện nay, Hòa Vang đang trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung, với những đặc điểm về cảnh quan tự nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa, cũng như mục tiêu hướng đến sự phát triển đô thị bền vững thì việc lựa chọn mô hình đô thị sinh thái là phù hợp. Đô thị sinh thái cũng là mục tiêu hướng đến của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhằm mang đến chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Tạo lập không gian đô thị hiện đại, văn minh luôn gắn với các yêu cầu về bảo vệ môi trường”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, đô thị sinh thái là đô thị được tổ chức theo nguyên tắc đảm bảo tính “cân bằng” của các hệ sinh thái. Phải gìn giữ sự đa dạng sinh học; đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan tự nhiên và nhân tạo; tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng mảng xanh (như công viên, vườn dạo, các khu rừng), các dải xanh (như dòng sông, kênh mương nội đồng, tuyến cây xanh đường phố …), duy trì hệ thống hồ điều hòa trong đô thị. Giao thông đô thị được tổ chức ưu tiên các giải pháp giao thông công cộng, giao thông “xanh” (như xe đạp, đi bộ, xe điện…); kiến trúc công trình xanh, khu công nghiệp sinh thái; ưu tiên các mô hình phát triển kinh tế “xanh”, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Tuy nhiên, thực tế Hòa Vang cũng đang đối diện với nhiều thách thức, đó là nguy cơ suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm cảnh quan thiên nhiên và cả sự đa dạng sinh học. “Phát triển đô thị cần phù hợp với “ngưỡng” môi trường, các yếu tố nhân tạo cũng phải hài hòa với các yếu tố cảnh quan do thiên nhiên ban tặng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử
Với lịch sử rộng lớn, văn hóa Hòa Vang được hình thành từ sản phẩm của một nền nông nghiệp, từ cách ứng xử, từ sự tiếp biến văn hóa giữa cư dân xứ Quảng với nhiều cư dân nơi khác. Qua đó tạo nên nét đặc trưng của văn hóa bản địa Hòa Vang, được thể hiện trong cốt cách, tâm hồn, lối sống, nét ứng xử của con người Hòa Vang. Hơn thế, Hòa Vang còn là vùng đất có nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, hệ thống các đình làng, miếu thờ, di tích văn hóa - tôn giáo - lịch sử - cách mạng đều mang giá trị cao về mặt kiến trúc và thấm đẫm nhân văn. Tính cố kết trong các dòng tộc, dòng họ luôn được trao truyền và phát huy.
Các lễ hội đình làng, lễ hội Tắt bếp và Rước mục đồng hết sức độc đáo, chính là bức tranh sinh động về tình làng nghĩa xóm, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của lao động nông nghiệp. Các làng nghề truyền thống như làng Nghề bánh tráng Túy Loan, nghề dệt thổ cẩm truyền thống người Cơ tu (Hòa Phú) cùng các giá trị văn hóa phi vật thể khác như: hát bài Chòi, điệu múa tung tung - da dá…đã cùng kết hợp, hun đúc nên giá trị văn hóa độc đáo ở Hòa Vang.
Hòa Vang trong quá trình chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa, khi những giá trị văn hóa mới chưa định hình, giá trị văn hóa truyền thống đang đứng nguy cơ mai một nên còn nhiều thách thức. Để giải quyết những vấn đề nêu trên, huyện tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học quy mô; Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HU chuyên đề về “gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa”. Sau đó là nhiều những đề án, kế hoạch cụ thể hóa chủ trương của Đảng được ban hành.
Cụ thể: Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” ở làng Bồ Bản (xã Hòa Phong) và làng Phong Nam (xã Hòa Châu); kế hoạch phát triển làng Nghề bánh tráng Túy Loan; khởi công xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa cộng đồng đồng bào Cơ tu tại xã Hòa Bắc; định kỳ tổ chức các lễ hội đình làng (Túy Loan, Bồ Bản), lễ hội Mục đồng (Hòa Châu), lễ hội Tắt bếp (thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước). Cùng với đó, mỗi thôn, mỗi làng sẽ ban hành “Hương ước” làm cơ sở quan trọng để bảo vệ những giá trị văn hóa cộng đồng.
Hòa Vang đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ song vẫn quyết tâm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử nhằm phát triển thành đô thị theo hướng sinh thái giàu bản sắc, cũng là lựa chọn đúng đắn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
ĐẮC MẠNH