Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn

.

Năm 2024, Đà Nẵng đạt được một số kết quả bước đầu để tạo dựng nền tảng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thành phố tập trung phát triển theo 3 hướng: cơ sở hạ tầng, chính sách và phát triển nguồn nhân lực.

Nhiều kết quả khả quan

Tín hiệu tích cực về cơ sở hạ tầng là Đà Nẵng được tháo gỡ khó khăn để đưa vào vận hành Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 theo Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 22-10-2024 của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Theo đó, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với tổng diện tích đất 28.573m2 tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu) là phần mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng (số 2 và 15 Quang Trung, phường Thạch Thang).

Cũng trong tháng 10, HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 414 tỷ đồng nhằm hoàn thiện đồng bộ 3 khối nhà (ICT 20 tầng, ICT1 8 tầng và ICT2 8 tầng). Như vậy, tổng mức đầu tư dự án lên 1.400 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1-2025, thành phố sẽ khai trương tòa nhà ICT 1.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết một hạ tầng khác là thành phố thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) trực thuộc Sở TT&TT và đi vào hoạt động vào ngày 26-1-2024. Đây là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Tháng 10-2024, DSAC được vinh danh là giải pháp “Phát triển hệ sinh thái bán dẫn cho tương lai” tại chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 - Vietnam Innovation Challenge 2024. Về chính sách, kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố khóa X đã thông qua 3 nghị quyết quy định chính sách phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, qua đó cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về tăng cường nguồn nhân lực, thành phố tổ chức thành công lễ khởi động chương trình đào tạo và khai giảng lớp đào tạo giảng viên lĩnh vực thiết kế vi mạch vào ngày 26-3-2024. Đến nay, đã có 4 trường đại học chính thức mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch và tuyển sinh với gần 300 chỉ tiêu; mở 3 lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp ngành gần kỹ sư vi mạch sang thiết kế vi mạch cho 41 sinh viên và 59 giảng viên. Thành phố tổ chức bồi dưỡng cho 17 giảng viên tham gia chương trình đóng gói kiểm thử của Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức; phối hợp Tập đoàn NVIDIA cấp chứng nhận đại sứ trí tuệ nhân tạo cho 7 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng.

Một sự kiện vi mạch bán dẫn nổi bật trong năm qua là “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”. Đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình phát triển của Đà Nẵng. Trong khuôn khổ sự kiện, có nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư được ký kết. Kết quả đến cuối năm 2024, các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell, Renesas có mặt tại thành phố.

Đà Nẵng có thêm 5 công ty thiết kế vi mạch đầu tư, nâng tổng số doanh nghiệp thiết kế vi mạch lên 13 đơn vị. Vừa qua, Đà Nẵng đã có 4 công ty khởi nghiệp được lọt vào top 10 khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo do tập đoàn Qualcomm tổ chức là: Công ty TNHH Công nghệ XB, Công ty TNHH Alpha Asimov Robotics, Công ty TNHH Vox Cool, Công ty CP Giải pháp công nghệ cao VAS (Delta X).

Tiếp tục phát triển theo 3 hướng

Đầu tháng 10-2024, Công ty TNHH Mixel Việt Nam thành lập tại Đà Nẵng. Đây là thành viên của Tập đoàn Mixel (Hoa Kỳ), nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các lõi IP mạch hỗn hợp. Hoạt động của Mixel “trải dài” trên nhiều lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo và máy học, thiết bị di động, camera, công nghệ hiển thị, thực tế ảo, xe thông minh…

Ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là đem nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên được đào tạo một cách bài bản, được thử sức với những công nghệ cao và được tiếp cận trực tiếp với khách. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn xây dựng được lực lượng chuyên gia người Việt có trình độ cao và kinh nghiệm dày dặn tạo tiền đề cho những sản phẩm cao cấp từ Việt Nam trong tương lai.

Việc thành lập một công ty vi mạch bán dẫn mới tại Đà Nẵng góp phần khẳng định thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, đón làn sóng dịch chuyển công nghệ trên thế giới, đặc biệt là vi mạch bán dẫn”. Ông Bảo Anh cũng đề xuất, bên cạnh thu hút các tập đoàn lớn, thành phố cần hỗ trợ hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đối tượng này sẽ tạo ra một hệ sinh thái công nghệ bền vững cho tương lai. Về mặt công nghệ, ông Bảo Anh kỳ vọng sẽ sớm có những dự án đầu tư cho sản xuất vi mạch, đóng gói tiên tiến, đóng gói truyền thống và kiểm thử. Song song với thu hút đầu tư nước ngoài, thành phố cũng nên đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo để phát triển năng lực nội tại.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, lộ trình phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố gồm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2024-2027, tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, chuẩn bị nguồn lực phát triển giai đoạn sau.

Giai đoạn 2027-2030, ưu tiên phát triển doanh nghiệp nội địa và khởi nghiệp, cùng thu hút đầu tư thiết kế vi mạch bán dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Trong năm 2025, thành phố sẽ đầu tư và đưa vào sử dụng 3 phòng thí nghiệm (lab), trong đó 2 lab đào tạo thiết kế vi mạch, 1 lab đào tạo trí tuệ nhân tạo trong Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2; triển khai đầu tư hoàn thiện giai đoạn 2 Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để đưa vào sử dụng tòa nhà ICT2, ICT3.

Về cơ chế, chính sách, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch triển khai đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố và các nghị quyết. Về đào tạo nhân lực, thành phố tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nguồn trong và ngoài nước liên quan đến thiết kế vi mạch và đóng gói kiểm thử trên cơ sở hợp tác với Công ty Synopsys, Đại học Bang Arizona - Mỹ.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.