Các đơn vị trên địa bàn thành phố tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra nguồn giống cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nhiều giống lúa, con giống, cây trồng… đạt chất lượng, năng suất cao được đưa vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra nguồn giống chất lượng, năng suất; qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Những năm qua, Trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) nghiên cứu nhiều dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt và sản xuất giống như thực nghiệm sinh sản nhân tạo giống cá trê lai, sinh sản nhân tạo giống cá leo, cá rô đầu vuông, cá diếc. Trại còn ươm nuôi cá thát lát, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá chép… để tạo nguồn con giống bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cho nông dân. Từ đầu năm đến nay, trại đã cung ứng hơn 700.000 con giống các loại.
Dự kiến, khi bước vào mùa vụ chính sẽ cung cấp số lượng 300-400.000 con giống các loại. Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương, con giống được sản xuất và ươm nuôi tại trại có chất lượng tốt, khả năng thích nghi cao, an toàn dịch bệnh, giảm hao hụt và đáp ứng khoảng 80-90% nhu cầu của nông dân. Từ đây đã góp phần chủ động nguồn giống nuôi tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững trên địa bàn thành phố.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), mô hình nhà lưới công nghệ cao của HTX được đầu tư xây dựng từ giữa năm 2019 và được mở rộng vào năm 2023. Với tổng diện tích hơn 500m2, gồm: hệ thống nhà lưới với hệ thống rau thủy canh, giàn ươm giống, giàn ươm cây non, khay xốp, vật tư, hạt giống…, mô hình đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm rau an toàn và quá trình ươm giống, rút ngắn thời gian gieo trồng.
Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc HTX cho biết trước đây khi chưa có nhà lưới công nghệ cao, nông dân tại vùng khi ươm giống bằng phương pháp truyền thống thì tỷ lệ nảy mầm không đồng đều; đồng thời cây con khi đưa ra gieo trồng có nguy cơ bị sâu bệnh tấn công. HTX áp dụng hệ thống thủy canh để sản xuất rau cải các loại nhằm ổn định đầu ra cho HTX, nâng cao thu nhập cho xã viên. Mỗi vụ (2 tháng), vườn ươm cung cấp khoảng 500 cây giống cho các hộ dân trong vùng trồng rau; trong đó chủ yếu là các loại cây như búp su, bầu, bí xanh, khổ qua, mướp…
“Từ khi nhà lưới được đưa vào hoạt động, hiệu quả sản xuất của nông dân tại vùng được nâng cao; thời gian sản xuất, gieo trồng cũng được rút ngắn. Do được ươm trong nhà lưới và cách mặt đất từ khoảng 1m nên các loại sâu bệnh hại xâm nhập gây bệnh cho cây con rất hạn chế, mỗi hạt giống đều được gieo trong một ô riêng. Khi đưa ra môi trường thực tế, cây con phục hồi nhanh, tỷ lệ sống cao”, ông Tân cho biết thêm.
Trong khi đó, để có nhiều giống lúa đưa vào cơ cấu đại trà phù hợp với thổ nhưỡng và đặc điểm của địa phương, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới để đánh giá độ ổn định về năng suất và chất lượng. Trong vụ hè thu năm 2024, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố đã thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, gồm giống: BĐ.04, Thiên Hương 6, ĐB 18, HG12 và TBR97.
Kết quả, các giống lúa được trình diễn đều có năng suất và chất lượng ổn định; khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu cũng như chống chịu sâu bệnh ở mức khá. Bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm cho rằng, quá trình sản xuất nhiều năm, nhiều vụ, một số giống lúa có dấu hiệu thoái hóa, mẫn cảm với sâu bệnh hại, khả năng chống chịu bị giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo. Do đó việc du nhập, trình diễn để tìm ra các giống lúa mới có ưu điểm vượt trội, phù hợp là rất cần thiết. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị và là cơ sở để bổ sung, tạo sự đa dạng bộ giống lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
TRẦN TRÚC