Trong Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng cần khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), vi mạch bán dẫn.
Thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ảnh: MAI QUẾ |
Hoàn thiện hạ tầng, phát triển nhân lực
Trước những cơ hội và mục tiêu đặt ra, thành phố đã và đang triển khai 3 nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Thành phố đã và đang chuẩn bị quỹ đất, các khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm, khu công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư. Thành phố có Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và 3 khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Mới đây nhất, ngày 22-10, Chính phủ ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg về mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Theo đó, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với tổng diện tích đất 28.573m2 tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu) là phần mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng; chức năng, nhiệm vụ và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung và các chính sách ưu đãi khác theo quy định pháp luật.
Cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của tổ chức quản lý Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 do UBND thành phố quyết định. Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024; đồng thời, thành phố chuẩn bị quỹ đất phù hợp để đầu tư thêm 3 khu CNTT mới.
Xác định phát triển nhân lực bền vững trên cơ sở liên kết “3 nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, thành phố phối hợp với Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) và Công ty Synopsys triển khai 3 khóa chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch với 39 sinh viên; đồng thời, kết hợp bồi dưỡng cho 43 giảng viên.
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thành phố đang phối hợp với Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) hỗ trợ 17 giảng viên công tác tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố tham gia chương trình bồi dưỡng giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn của Đại học Bang Arizona. Trong năm 2025, thành phố sẽ tuyển chọn các giảng viên xuất sắc nhất để cử tham gia khóa bồi dưỡng giảng viên tại Học viện Sicada - đơn vị hợp tác của Công ty Synopsys tại Đài Loan (Trung Quốc). Thành phố cũng đang hợp tác với các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm để triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, kết nối với các trường đại học trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa với khoảng 5.700 sinh viên. Hiện nay, có 4 trường đại học trên địa bàn thành phố công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch với gần 320 chỉ tiêu/năm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, chuyên ngành mới vi điện tử - thiết kế vi mạch được đào tạo trong thời gian 4,5 năm, số lượng tín chỉ là 151. Năm học 2024-2025 tuyển sinh 60 sinh viên. Ngoài ra, chương trình cũng giảng dạy một số kiến thức liên quan như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo. Đến nay, nhà trường đã ký kết với khoảng 30 trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước về hợp tác đào tạo, trao đổi chương trình học, hỗ trợ cơ sở vật chất như phòng thực hành, thí nghiệm.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính, Đại học Duy Tân (DTU) cho biết, DTU tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn khóa đầu tiên vào năm 2024 với gần 100 sinh viên đăng ký theo học. Song song với triển khai đào tạo trình độ đại học, trường quan tâm đến đào tạo ngắn hạn, đào tạo nâng cấp kỹ năng về thiết kế vi mạch cho sinh viên và đội ngũ cán bộ giảng viên các ngành thuộc lĩnh vực máy tính và CNTT, điện - điện tử.
Xây dựng chính sách, nghị quyết
Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị xác định, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là 1 trong 5 nhóm ngành quan trọng, đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho Đà Nẵng trong thời gian đến. Tiếp sau đó, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng thông qua các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, AI.
Thành phố đang tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 thông qua xây dựng các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kịp thời ban hành trong tháng 12-2024 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Qua đó nhanh chóng kiến tạo môi trường thuận lợi, thu hút mạnh mẽ đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thành phố, cũng như phát triển nhanh nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng hai chính sách: phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố; các chương trình, dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, AI; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI.
Chính sách thứ hai là quản lý, khai thác, vận hành, hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin, trong đó tập trung quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quy định trình tự, thủ tục cho đối tác chiến lược thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; hỗ trợ chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; sử dụng miễn phí mặt bằng tại Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, bên cạnh xây dựng nghị quyết, thành phố đang xây dựng Đề án Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở là nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố; đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư. Mục tiêu dự kiến của thành phố đến năm 2030, đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trong đó: 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.
MAI QUẾ