Xây dựng văn hóa du lịch Đà Nẵng

.

Sau chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, phong trào “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin phép, xin lỗi) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ), thành phố tiếp tục ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng. Đây là nỗ lực xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, mến khách; góp phần để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách, từ đó quay lại Đà Nẵng nhiều hơn.

Thành phố nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, mến khách.  TRONG ẢNH: Trung tâm Hỗ trợ Du khách Đà Nẵng hỗ trợ cho du khách khi đến với thành phố, tạo nên môi trường du lịch thân thiện an toàn tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Thành phố nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, mến khách. TRONG ẢNH: Trung tâm Hỗ trợ Du khách Đà Nẵng hỗ trợ cho du khách khi đến với thành phố, tạo nên môi trường du lịch thân thiện an toàn tại Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Những “đại sứ” du lịch

Theo Trần Thị Nhật Phương (nhân viên lễ tân Fusion Suites Đà Nẵng), trong ngành kinh doanh dịch vụ nói chung và ngành khách sạn nói riêng, chất lượng phục vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài yếu tố cơ sở vật chất, kỹ thuật (buồng phòng, món ăn, đồ uống…) thì thái độ giao tiếp, ứng xử của đội ngũ nhân viên là một yếu tố quyết định trong việc thu hút và lưu giữ khách du lịch.

Chị Nhật Phương chia sẻ: “Nhân viên lễ tân khách sạn là bộ phận đầu tiên tiếp xúc với khách vì thế phải luôn nở nụ cười. Chúng tôi xác định sự hài lòng của du khách chính là niềm vui của những người làm dịch vụ. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tôi phải rèn luyện thường xuyên, nâng cao kỹ năng ứng xử, giao tiếp bởi đó không chỉ là công việc mà còn là hình ảnh của đơn vị và sâu xa hơn là góp phần xây dựng thương hiệu mến khách của thành phố. Việc thành phố ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng là rất cần thiết, giúp những người làm trong ngành dịch vụ, du lịch thực hiện chuẩn mực theo các tiêu chí đề ra”.

Còn với chị Nguyễn Thị Thanh Minh (hướng dẫn viên du lịch Công ty Lữ hành Saigontourist), để du khách thích và yêu điểm đến, bản thân người hướng dẫn vbviên phải hiểu sâu sắc về điểm đến và có những kỹ năng truyền tải đầy đủ đến du khách; ngoài ra thái độ cũng là điều cần lưu ý. Có như thế, hướng dẫn viên mới hoàn thành tốt hơn công việc của cá nhân, đồng thời trở thành những đại sứ văn hóa, du lịch của thành phố.

Nhiều điểm đến thuộc quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, thời gian qua, đơn vị thực hiện tốt phong trào “4 xin” và “4 luôn” để mang lại sự hài lòng cho du khách khi đến với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch, thành phố đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Năm 2024, ngành du lịch tổ chức 21 chương trình gồm 7 lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch, 8 chương trình trao đổi thông tin và bàn giải pháp thu hút các thị trường khách nội địa và quốc tế và 6 chương trình tọa đàm trao đổi, chia sẻ và hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ cho nhân lực ngành du lịch… Trong tháng 12, tổ chức hai hội thi lớn dành cho hướng dẫn viên du lịch và lễ tân là hội thi Hướng dẫn viên du lịch giỏi Đà Nẵng 2024, hội thi lễ tân khách sạn Đà Nẵng năm 2024.

“Trong thành công chung của ngành du lịch năm 2024, có sự đóng góp của những người tiếp xúc trực tiếp du khách. Bởi dù có sản phẩm du lịch đặc sắc nhưng chính con người làm du lịch không chuyên nghiệp thì cũng không thể thu hút, níu chân du khách đến và trở lại nhiều lần. Giữa bối cảnh các điểm đến có sự cạnh tranh rất lớn, những người làm du lịch phải trau dồi bản thân, nâng cao kỹ năng, góp phần tạo nên chất lượng điểm đến”, bà Hoài An nói.

Theo Sở Du lịch, mới đây, UBND thành phố ban hành văn bản số 2689/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng. Bộ tiêu chí áp dụng đối với hai nhóm đối tượng: cơ quan, tổ chức,  cá nhân tại điểm đến (gồm tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố; cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố, các cơ sở đào tạo nghề du lịch, người dân thành phố) và nhóm khách du lịch trong nước và quốc tế đến thành phố.

Bộ tiêu chí định hướng hành vi, thái độ, tác phong ứng xử văn minh, văn hóa trong hoạt động du lịch, giúp tổ chức tốt hơn hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố từ cả hai phía là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại điểm đến và khách du lịch. Đồng thời, xây dựng và duy trì hình ảnh thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, mến khách, an toàn và phát triển bền vững với bản sắc riêng, tạo ra sức hấp dẫn khác biệt cho điểm đến từ những thói quen, hành vi tích cực trong hoạt động hằng ngày.

Đặc biệt, 5 tiêu chí văn hóa đối với khách du lịch đến tham quan, lưu trú tại thành phố gồm: Tiêu chí văn hóa giao thông, tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông. Về tiêu chí văn hóa ứng xử, giữ trật tự, không có những hành vi thiếu văn minh tại nơi công cộng, tôn trọng văn hóa và ứng xử lịch thiệp với cộng đồng địa phương; ứng xử có văn hóa trên môi trường mạng, sử dụng trang phục lịch sự, kín đáo khi tham quan các di tích văn hóa lịch sử, địa điểm tâm linh.

Về tiêu chí văn hóa ủng hộ phát triển kinh tế địa phương, cần khuyến khích ủng hộ các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Về tiêu chí văn hóa bảo vệ môi trường, cần giữ gìn vệ sinh chung tại nơi công cộng - tiết kiệm năng lượng - bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Tuyên truyền, định hướng cho khách du lịch những tiêu chí cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp, hướng đến mục tiêu làm tốt đẹp hơn mối quan hệ giữa du khách và điểm đến Đà Nẵng.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.