Công ty CP Cảng Đà Nẵng (cảng Đà Nẵng) đã tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, số hóa tối đa tất cả các khâu trong quy trình tác nghiệp, đặc biệt chú trọng hàng container. Việc tiên phong chuyển đổi số trong hệ thống cảng biển Việt Nam đã đem lại nhiều lợi ích cho cảng Đà Nẵng; qua đó, giảm chi phí và làm tăng giá trị gia tăng cho khách hàng.
Cổng container tự động ở cảng Tiên Sa mang lại lợi ích cao. Ảnh: THÀNH LÂN |
Với cơ sở hạ tầng hiện đại và dịch vụ đa dạng, cảng Đà Nẵng đã khẳng định vai trò hàng đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Những năm gần đây, cảng Đà Nẵng liên tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng như hoàn thành và đưa vào khai thác dự án Xây dựng khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa, trang bị 1 cẩu QCC, 4 cẩu ERTG và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu container đến 50.000 DWT và tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu khách tải trọng 168.000 GT. Đồng thời là đơn vị đi đầu trong hệ thông thống cảng biển Việt Nam về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động hằng ngày...
Theo đánh giá của Cục Hải quan thành phố, không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cảng Đà Nẵng còn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với Cục Hải quan trong đồng bộ số hóa, cải thiện, nâng cao hiệu quả các thủ tục hải quan, quy trình giám sát hải quan tại các kho, bãi… nhờ đó hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí.
Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ cảng Đà Nẵng Dương Đức Xuân cho biết, cảng Đà Nẵng luôn hướng tới mục tiêu trở thành cảng hiện đại về công nghệ thông tin, tiên phong nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới của thế giới vào khai thác và quản trị cảng, trở thành cảng thông minh trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong năm 2024, cảng Đà Nẵng đã công nhận hàng chục sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất với giá trị làm lợi trên 10 tỷ đồng. Tiêu biểu nhất là giải pháp “eCPS - Hệ thống canh xe trong lòng cẩu giàn bằng máy móc tự động” của nhóm tác giả Dương Đức Xuân, Phan Bảo Lộc, Lưu Văn Dũng và Lê Hà Nam. eCps là một giải pháp phần mềm trí tuệ nhân tạo nhằm thay thế công việc thủ công của con người.
Mục tiêu của eCps là tạo nên một hệ thống canh xe chính xác, tốc độ cao nhưng tinh gọn hơn các hệ thống canh xe truyền thống nhờ vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. eCps sử dụng camera công nghiệp kết nối với một máy tính được tạo cấu hình để có khả năng: nhận dạng vật thể bằng trí tuệ nhân tạo (AI); suy luận phương án làm hàng; bình bầu điểm đại diện của đối tượng, tính toán tọa độ; hiển thị tọa độ; theo dõi đối tượng, xử lý ảnh, giám sát vận hành; việc áp dụng giải pháp này mang lại lợi ích gần 7 tỷ đồng cho đơn vị. Tiếp đến, nhóm tác giả Phan Nam Hoàng và Nguyễn Hữu Ánh với giải pháp Gia công bộ côn truyền động cao su cẩu Krupp thay thế cho việc mua mới và chủ động trong công tác sửa chữa, giảm thời gian chờ đặt hàng đã làm lợi cho cảng hàng trăm triệu đồng.
Cùng với đó, giải pháp “Thay thế chủng loại băng tải cao su cho băng tải tiếp dăm góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh” của nhóm tác giả Hồ Thái Thanh và Phan Nam Hoàng đã góp phần bảo đảm phương tiện thiết bị hoạt động ổn định, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh chung… Trước đó, hệ thống cổng container tự động (Autogate) tại khu bến cảng Tiên Sa đã được cảng Đà Nẵng nghiên cứu và triển khai thành công vào tháng 3-2021. Đây cũng là cảng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công cổng container tự động. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào các cẩu QC giúp an toàn trong vận hành, ngăn ngừa va chạm container khi xếp dỡ.
Tiếp nối thành công của phần mềm cảng điện tử ePort (Electronic Port), AutoGate... việc phát minh ra eTractor - lắp đặt trên tất cả các xe đầu kéo để nhận tín hiệu trong dây chuyền khai thác tàu container, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị; đồng thời nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống canh xe tự động eCPS ứng dụng AI. Đây là dự án tuy có giá trị đầu tư không cao, nhưng có yếu tố khoa học và tính phổ dụng đặc biệt cao trong hệ thống cảng biển, góp phần tăng năng suất khai thác tàu và bảo đảm an toàn lao động cho công nhân.
Theo lãnh đạo cảng Đà Nẵng, thời gian tới đơn vị tập trung hoàn thiện các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tối ưu hóa quy trình, số hóa chứng từ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đến với khách hàng. Do vậy, cảng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số như đầu tư Hệ thống bản đồ số eMap toàn cảng, là phần mềm số hóa bản đồ cảng Tiên Sa và các thiết bị tham gia khai thác container theo thời gian thực, tích hợp với phần mềm TOS; triển khai giải pháp dùng Robot đọc, chụp hình số seal tại 1 cổng vào - cổng container; triển khai giải pháp dùng hệ thống Robot công nghiệp để kiểm tra, đọc, chụp hình số chì (seal) tại 1 cổng vào - container; hệ thống thu thập và hiển thị các chỉ số quản trị phục vụ công tác điều hành, thống kê của cảng…
THÀNH LÂN